Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo không mới, vẫn là thường xuyên gọi điện đến một số điện thoại của người dân và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Chúng xưng là nạn nhân đang có khoản nợ đã được tòa án lên danh sách xử án theo bản khởi tố của viện kiểm sát, nhiều người nhẹ dạ đã vội vã chuyển tiền để được yên thân.
Đại tá Nguyễn Sĩ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết, rất nhiều người dân trong đó có những người là cán bộ hưu trí đã mất tiền tỷ từ các cuộc gọi điện thoại đề nghị chuyển tiền vào tài khoản của tội phạm lừa đảo. Công an TP.HCM đã phá án được những băng nhóm gọi điện nhân danh công an yêu cầu người dân chuyển tiền vì có “quyết định” khởi tố vụ án của viện kiểm sát nhìn giống như thật. Tuy nhiên, bằng con mắt nghiệp vụ của lực lượng công an, phát hiện ra quyết định khởi tố của viện kiểm sát là giả mạo.
“Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại, nếu có phải làm việc với cá nhân hay tổ chức nào công an đều mời lên trụ sở công an làm việc bằng giấy mời, chính vì thế người dân không nên tin vào các cuộc điện thoại tự xưng công an và đề nghị chuyển tiền” - Đại tá Nguyễn Sĩ Quang khuyến cáo.
Theo bà Lê Thị Thanh Hằng, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, qua các hoạt động đấu tranh trấn áp tội phạm, Công an TP.HCM cũng đã chủ động thông tin đến hệ thống ngân hàng và phối hợp triển khai các áp phích tuyên truyền đến người dân các thủ đoạn đe dọa, lừa đảo, giả danh cán bộ cơ quan chức năng. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân để phòng tránh rủi ro, đồng thời góp phần vào việc giữ vững niềm tin của người dân đối với các hoạt động, các dịch vụ thanh toán của hệ thống ngân hàng.
Trong hoạt động phòng chống tội phạm công nghệ cao, công an TP.HCM đã hỗ trợ các TCTD ngăn ngừa, phát hiện và thực hiện điều tra các cá nhân thực hiện các giao dịch giả mạo, trộm cắp tiền từ tài khoản; sử dụng trái phép, làm giả thẻ tín dụng để mua hàng từ nước ngoài, sử dụng thẻ giả để rút tiền từ các ATM để chiếm đoạt tiền; cảnh báo các TCTD các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao của bọn tội phạm nhằm lấy tiền bất hợp pháp.
Tội phạm công nghệ cao cũng đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn TP.HCM, trong đó xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm tạo tài khoản ngân hàng lấy cắp tiền của khách hàng. Công an TP.HCM đang chuẩn bị ra mắt, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao, đấu tranh với loại hình tội phạm công nghệ cao đang rất phức tạp hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác cùng với các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM liên quan đến lĩnh vực này. Công an TP.HCM đã tăng cường kiểm tra, nắm bắt, xử lý các trường hợp liên quan, góp phần vào việc duy trì an ninh, an toàn của hoạt động tiền tệ trên địa bàn thành phố.
Dữ liệu quý I/2020 của Kaspersky cho thấy Indonesia và Việt Nam là hai quốc gia có số vụ tấn công khai thác tiền mã hóa nhắm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa cao nhất ở Đông Nam Á và trên toàn cầu. Theo Kaspersky, trong quý I/2020 hãng an ninh mạng toàn cầu này phát hiện ở Việt Nam có 289.118 số lượt tấn công khai thác tiền mã hóa nhắm vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng 54.104 số lượt so với quý I/2019.
Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: Tấn công khai thác tiền mã hóa cần thời gian dài quan sát và xác định tổn thất sau khi bị tấn công. Một điều quan trọng SMB cần lưu tâm là có mối tương quan trực tiếp giữa những lần tấn công mã hóa thành công và việc sử dụng phần mềm lậu. Càng có nhiều phần mềm bất hợp pháp thì tội phạm mạng càng dễ tiến hành tấn công. Do đó, tôi kêu gọi các công ty nên sử dụng phần mềm hợp pháp để bảo vệ tổ chức khỏi các mối đe dọa mạng nguy hiểm.
Minh Phương