Chấm dứt cách ưu đãi đầu tư bằng thuế

10:04 | 15/11/2019

Chuyên gia của Tổ chức Oxfam ước tính số thuế ưu đãi hàng năm khoảng hơn 50.000 tỷ đồng tương đương 1% GDP. Với số tiền này, có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện với tổng quy mô 1000 phòng.

Tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam là nơi trung chuyển hàng tránh thuế, giả mạo xuất xứ Việt Nam
Lo ngại tổng thu ngân sách từ thuế giảm so với quy mô nền kinh tế
cham dut cach uu dai dau tu bang thue
Ảnh minh họa

Ưu đãi thuế cho DN gấp 1,4 lần số chi cho y tế

Ông Johan Langerock - chuyên gia về thuế của Oxfam cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam thời gian qua không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế, thậm chí tổng thu ngân sách từ thuế đã và đang giảm so với quy mô của nền kinh tế. Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự bền vững của quốc gia.

Cũng theo ông Johan Langerock, Việt Nam đã từ lâu có các chính sách ưu đãi thuế rộng rãi để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm giảm thuế suất cho DN, miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế VAT cho các sản phẩm cụ thể và miễn thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp cụ thể. Tuy nhiên vị chuyên gia này tỏ ra không ủng hộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN để khuyến khích đầu tư mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay. Bởi cách ưu đãi này làm Việt Nam thiệt hại vì không thu một khoản thuế khá lớn, còn nhà đầu tư thì ôm lợi nhuận mang về nước.

Quả vậy, theo số liệu của OECD, ưu đãi thuế cho DN tại Việt Nam hàng năm lên tới hơn 50.000 tỷ đồng, tương đương 1% GDP và số tiền này có thể đủ để xây mới 25 bệnh viện quy mô 1.000 giường. Tuy nhiên, nếu OECD thông qua mức thuế thu nhập DN tối thiểu toàn cầu, không phải DN nước ngoài nào cũng được hưởng trọn khoản thuế được ưu đãi này.

Cụ thể, phần thuế được ưu đãi từ Việt Nam sẽ nhập về tập đoàn, công ty ở nước nhà và nếu tổng hợp các khoản thuế phải đóng của tập đoàn, của DN thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu, thì chính phủ các nước bản địa của các DN nước ngoài có quyền thu phần phần chênh lệch giữa thuế thực trả của DN tại Việt Nam và mức thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ mất đi một phần nguồn thu lớn từ thuế thu nhập DN, trong khi Chính phủ nước có DN được ưu đãi thuế ở Việt Nam được lợi.

Bà Nguyễn Thu Hương - Một nghiên cứu viên của Oxfam cho rằng, số thu ngân sách nhà nước của Việt Nam từ thuế thu nhập DN giảm mạnh từ năm 2006, từ 6,9% GDP năm 2010 xuống còn 4,3% GDP năm 2017. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam. Ước tính từ năm 2012 - 2016, tổng ưu đãi thuế Thuế thu nhập DN của Việt Nam cho các DN bằng 7% tổng thu ngân sách Nhà nước, tương ứng với 5% tổng chi ngân sách Nhà nước và cao gấp 1,4 lần mức chi cho y tế.

Dừng cuộc đua xuống đáy

Hiện nợ công của Việt Nam luôn ở mức trên 60% GDP, tương đương với việc mỗi người dân Việt Nam đang gánh 35.000 triệu đồng nợ công và vẫn còn đang có tới 1,6 triệu hộ nghèo. Vì vậy các chuyên gia Oxfarm cho rằng, chính sách thuế phải giúp giảm nhẹ gánh nặng nợ cho người dân bằng mọi giá bằng cách đảm bảo ngân sách được đầy đặt ít bị hao hụt nhất có thể. “Đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu, và bãi bỏ cách ưu đãi đầu tư bằng thuế này”, các chuyên gia của Oxfarm cho biết.

Mặc dù chính sách ưu đãi thuế dành cho mọi DN nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, nhưng theo Oxfam dường như chỉ DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài hưởng được ưu đãi thuế. Trong khi nếu bỏ ưu đãi thuế thu nhập DN thì ngân sách sẽ tăng thu thêm 20% mỗi năm và bỏ ưu đãi này cũng không có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Ở bình diện rộng hơn, Oxfam chỉ ra cuộc đua xuống đáy khốc liệt về các sắc thuế cho DN giữa các quốc gia trong khối ASEAN. Các công ty trong khu vực ASEAN đã và đang trả mức thuế suất ngày càng thấp trong thập kỷ qua. Trong môi trường kinh doanh như vậy, các công ty lớn với các cổ đông giàu có ngày càng hưởng nhiều lợi ích.

Các chuyên gia tài chính trong nước cũng thấy rằng, chính sách ưu đãi thuế, giảm thuế để thu hút đầu tư đến nay đã không còn cần thiết. Điều mà DN cần, nhà đầu tư cần đó là môi trường kinh doanh thông thoáng, là cơ hội và điều kiện để phát triển, là có nguồn nhân lực tốt, là thể chế tốt…

Khẳng định minh bạch và phân bổ hiệu quả nguồn lực là hai mục tiêu chính của việc hoạch định các chính sách thuế tốt, ông Johan Langerock cũng lưu ý đến việc đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế và tiến tới loại bỏ một số ưu đãi này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần lập báo cáo về ưu đãi thuế. Báo cáo này sẽ làm sáng tỏ các chi tiết cụ thể về các ưu đãi được trao cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia và thúc đẩy các thảo luận về cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách công cơ bản.

Thông qua các Báo cáo về ưu đãi thuế, giảm thuế như vậy, các chi phí gắn với các tập đoàn có thể được đánh giá và xem xét kỹ lưỡng bởi Quốc hội, các nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội. Báo cáo này cần được yêu cầu nộp với các tài liệu ngân sách hàng năm và nằm trong các tài liệu ngân sách hàng năm theo điều 47, Luật Ngân sách Nhà nước.

Ông cũng cho rằng với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề cạnh tranh về thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. Các hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và Chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam.

Một hệ thống thuế hoạt động hiệu quả và chi tiêu công phù hợp cho các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục là nền tảng cho việc thu hẹp bất bình đẳng và xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy việc thiết kế các sắc thuế đánh vào đâu và đánh bao nhiêu không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về kinh tế mà còn có cả ý nghĩa về chính trị.

PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách

Linh Ly

Tin đọc nhiều