Chấp nhận cuộc chơi

08:52 | 25/08/2016

Dù bạn ở vị trí của người cung cấp dịch vụ hay sử dụng dịch vụ thì hãy biết chấp nhận “cuộc chơi” và cùng nỗ lực giảm thiểu mọi rủi ro cho mình, cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày chứ không riêng gì rủi ro vật chất.

Báo động mã độc toàn cầu
Cảnh báo an ninh mạng
Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ

Gần đây dư luận ồn ào chuyện các chủ thẻ ngân hàng (NH) bỗng dưng mất sạch tiền chỉ sau một đêm. Rồi lại vụ “mất” hơn 26 tỷ đồng trong tài khoản của một DN khiến vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động NH càng nóng.

Những sự vụ này hiện chưa có kết luận cuối cùng nhưng có thể thấy rủi ro có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Và tôi đồng tình với thực tế mà báo bạn đưa ra: Ngay cả một cơ quan như NASA của Mỹ với mức độ bảo mật tối tân mà vẫn có khả năng bị hacker xâm nhập, ăn cắp dữ liệu, thì việc có lỗ hổng trong bảo mật của NH Việt Nam hay bất cứ NH nào trên thế giới, là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Còn về vấn đề khách hàng thường bức xúc khi xảy ra sự cố là thái độ, quá trình giải quyết của NH thì phải có cái nhìn công bằng, khách quan hơn.

chap nhan cuoc choi
Ảnh minh họa

Không phải bây giờ mà ngay từ khi cung cấp dịch vụ NH đơn giản nhất như huy động tiền gửi tiết kiệm các NH đã luôn thông báo, nhắc nhở khách hàng về phòng ngừa rủi ro. Ví dụ nhắc khách hàng phải đếm, kiểm tra tiền trước khi rời khỏi quầy giao dịch; dán những cảnh báo rủi ro ở các cây ATM…

Gần đây, khi các sự cố mất tiền diễn ra nhiều hơn, các NH đã đồng loạt đưa ra cảnh báo khách hàng của mình về việc đảm bảo an toàn bảo mật thông tin khi sử dụng dịch vụ thẻ cũng như các dịch vụ NH điện tử nói chung. Để tăng tính an toàn đã có một số NH chấp nhận đổi thẻ miễn phí cho khách hàng… Khách hàng đòi hỏi NH phải nâng cao chất lượng dịch vụ, phải đảm bảo an toàn thông tin…

Những đòi hỏi đó là tất yếu. Nhưng sao bạn không nghĩ bản thân các NH cũng muốn không có bất cứ rủi ro nào cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ của họ. Vì khi có bất cứ khiếu nại, thắc mắc nào từ người sử dụng dịch vụ và dù chưa biết bên nào đúng, bên nào sai thì hình ảnh, thương hiệu của NH đã bị ảnh hưởng.

Do đó, nếu nói NH “phủi tay” khi khách hàng gặp rủi ro là không công bằng. Họ đã, đang nỗ lực giải quyết theo đúng quy định, quy trình. Vì khi xảy ra sự cố sẽ liên quan đến nhiều người, nhiều khâu, không thể lập tức mà đưa ra kết luận được.

Theo công bố của Vụ Thanh toán (NHNN), tính đến cuối quý II/2016 tổng lượng thẻ các TCTD phát hành luỹ kế lên đến 106,03 triệu thẻ. Số lượng cây ATM được các TCTD lắp đặt là 17.306; và số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán qua thẻ đã lên đến 239.221. Chỉ trong quý II/2016 đã có 175.010.383 giao dịch được tiến hành qua ATM với tổng doanh số 431.270 tỷ đồng; và có 21.792.175 giao dịch qua các thiết bị chấp nhận thanh toán với số tiền 60.567.

Những con số này, nếu so với những sự cố, những rủi ro của khách hàng gặp phải khi giao dịch chắc chắn là chiếm tỷ lệ không đáng kể. Liệu có người cực đoan đến mức do có một vài sự vụ mà sẽ không sử dụng dịch vụ NH hiện đại nữa? Chắc là không. Và các NH cũng không vì xảy ra những sự vụ như vừa qua mà không tiếp tục đầu tư tiền tỷ để phát triển nhiều dịch vụ hiện đại hơn, mang đến nhiều tiện ích hơn cho khách hàng; nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong cuộc sống, rủi ro là điều khó tránh khỏi. Và chẳng phải chúng ta đều đang hướng đến cuộc sống chất lượng hơn, tiện ích hơn. Chúng ta vẫn nói vui “hiện đại, hại điện” - điều đó không chỉ đúng trong giao dịch với NH mà trong bất cứ dịch vụ nào.

Với NH, họ xác định nghề kinh doanh tiền tất yếu sẽ càng rủi ro hơn các ngành nghề khác, bởi ma lực của đồng tiền rất lớn. Do đó dù bạn ở vị trí của người cung cấp dịch vụ hay sử dụng dịch vụ thì hãy biết chấp nhận “cuộc chơi” và cùng nỗ lực giảm thiểu mọi rủi ro cho mình, cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày chứ không riêng gì rủi ro vật chất.

An Bình

Tin đọc nhiều