Chất lượng báo cáo tài chính cải thiện, cơ hội thu hút đầu tư gia tăng

14:03 | 15/11/2019

Việc chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, gánh nặng về chi phí, nguồn lực; các hạn chế trong năng lực, quy trình hiện có và đặc biệt là cam kết, quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp chính là những thách thức, khó khăn lớn nhất cho quá trình chuyển đổi này.

Áp dụng IFRS: Thời điểm đã chín muồi
Áp dụng IFRS: Kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản

Tại hội thảo "Tác động của IFRS đối với báo cáo tài chính" do Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp tổ chức mới đây, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng, áp dụng chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế vào Việt Nam là rất cần thiết và mang tính tất yếu, khách quan.

Việc đưa IFRS vào áp dụng ở Việt Nam sẽ tạo bước ngoặt căn bản cho công tác tài chính, kế toán tại doanh nghiệp, mang lại lợi ích to lớn cho nền kinh tế, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.

chat luong bao cao tai chinh cai thien co hoi thu hut dau tu gia tang

"Dưới góc độ doanh nghiệp, áp dụng IFRS sẽ cải thiện chất lượng báo cáo tài chính thông qua việc nâng cao chất lượng giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quy định về công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài", ông Sơn khẳng định.

Là những doanh nghiệp đã tiên phong chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất từ VAS sang IFRS trong những năm qua, đại diện Tập đoàn Bảo Việt và VP Bank cho biết, IFRS giúp cải thiện quá trình lên kế hoạch, góp phần quản lý nguồn lực tốt hơn và giảm chi phí vốn, đồng thời hỗ trợ xác định những lỗ hổng, rủi ro còn tồn tại trong các quy trình nội bộ từ đó sửa đổi cho phù hợp và giảm nguy cơ mắc lỗi kế toán.

IFRS giúp cải thiện khả năng phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp nước ngoài cùng ngành theo chuẩn mực IFRS, qua đó giúp đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác kinh doanh hiệu quả và phù hợp. IFRS cũng phản ánh giá trị hợp lý của các tài sản và công nợ, nhờ đó giúp có cung cấp góc nhìn tốt hơn về giá trị doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận nhà đầu tư quốc tế.

Tại hội thảo, ông Mike Turner, chuyên gia ICAEW đã chia sẻ những nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới và đánh giá cao tích cực áp dụng IFRS tại Việt Nam. "ICAEW đang thực hiện nhiều hoạt động để thúc đẩy việc sử dụng các chuẩn mực này trong các doanh nghiệp tại Việt Nam. Đồng thời, làm việc với các ban soạn thảo chuẩn mực quốc gia để hội tụ các chuẩn mực quốc gia và IFRS”, ông Mike Turner cho biết.

Với vai trò định hướng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, Bộ Tài chính đang có những hoạt động tích cực phối hợp với các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán quốc tế trong việc hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo nhân lực để các tổ chức, doanh nghiệp từng bước tiếp cận, áp dụng các chuẩn mực IFRS.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, vào tháng 8 vừa qua, Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam đã hoàn thiện và Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, sẵn sàng áp dụng vào thực tế tại Việt Nam.

Theo Đề án này, lộ trình triển khai áp dụng IFRS sẽ theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến 2025 sẽ hướng đến việc cho phép doanh nghiệp tự nguyện áp dụng. Giai đoạn 2 sau năm 2025, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của giai đoạn 1 sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng theo hướng quy định rõ đối tượng bắt buộc và đối tượng tự nguyện áp dụng IFRS theo từng nhóm doanh nghiệp cụ thể, để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để thực hiện công việc này, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bên liên quan dịch bộ chuẩn mực IFRS một cách chính thống, đảm bảo tính pháp lý để các doanh nghiệp áp dụng và tiến tới sẽ xây dựng một quy trình chuyển đổi có tính chất mẫu để các doanh nghiệp dựa vào và triển khai tại doanh nghiệp của mình.

Ông Chính cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch chuyển đổi thực sự và nghiêm túc. Theo đó, doanh nghiệp cần xác định được lợi ích thực sự của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và nhìn nhận rõ những chi phí phải bỏ ra cũng như xác định phạm vi hoạt động liên quan đến việc chuyển đổi, sự đồng bộ của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có kế hoạch trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có, cũng như chuẩn vị các cơ sở vật chất dữ liệu và nguồn kinh phí để thực hiện chuyển đổi.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều