Chi nhánh BIDV tại Myanmar có vốn 85 triệu USD

10:27 | 07/03/2016

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển vừa cho biết, Chính phủ Myanmar đã cấp phép cho 4 ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar, bao gồm: BIDV (Việt Nam), E.SUN  Commercial  Bank (Đài Loan, TQ), Shinhan Bank (Hàn Quốc) và State Bank of India (Ấn Độ).

Vốn điều lệ của BIDV trên 34.187 tỷ đồng
BIDV: Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 đạt 7.466 tỷ đồng
chi nhanh bidv tai myanmar co von 85 trieu usd
Ảnh minh họa

Theo đó, Chi nhánh BIDV tại Myanmar có tên giao dịch bằng tiếng Việt là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Yangon (viết tắt BIDV Yangon). Bằng tiếng Anh là Joint Stock Commercial Bank for Investment and Development of Vietnam, Yangon Branch (viết tắt BIDV Yangon).

Chi nhánh có trụ sở chính tại Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Tower, 192 KabarAye Pagoda Rd, Bahan, Thành phố Yangon, Cộng hòa Liên bang Myanmar. Quy mô vốn cấp ban đầu là 85.000.000 USD.

Trong giai đoạn đầu hoạt động, chi nhánh tập trung vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phục vụ cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài (trọng điểm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam), các ngân hàng nội địa Myanmar và các doanh nghiệp nội địa trên cơ sở hợp tác với các ngân hàng nội địa Myanmar.

Thời gian sau đó, tùy theo lộ trình mở cửa và quy định của Myanmar, chi nhánh Myanmar sẽ tiếp tục triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại theo nhu cầu của khách hàng tại địa bàn.

Đây là đợt cấp phép lần thứ 2 cho các ngân hàng nước ngoài của Chính phủ Myanmar và BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh tại Myanmar. Điều đó chứng tỏ vị thế, năng lực, uy tín của BIDV đã được Chính phủ Myanmar ghi nhận, đánh giá cao.

Được biết, từ tháng 4/2010, triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giao, BIDV đã chính thức thành lập Văn phòng đại diện (VPĐD) tại Myanmar và đầu mối thành lập Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội.

Qua gần 6 năm hoạt động, VPĐD BIDV tại Myanmar và AVIM đã có những đóng góp tích cực, quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước. Đồng thời đã tư vấn, chia xẻ với Chính phủ Myanmar các kinh nghiệm trong cải cách, mở cửa kinh tế.

Tổng giá trị đầu tư của Việt Nam vào Myanmar tăng 28 lần trong giai đoạn 2010-2015. Nếu như năm 2010 mới có 2 dự án của Việt Nam với tổng vốn đăng ký 23,649 triệu USD (đứng thứ 22) vào Myanmar thì năm 2015 Việt Nam đã có 8 dự án được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 691,572 triệu USD (đứng thứ 10). Tương tự, về thương mại cũng tăng 2,9 lần, từ mức 152 triệu USD năm 2010 lên mức 434,7 triệu USD năm 2015.

Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, hoạt động hợp tác kinh tế giữa hai nước đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính là do chưa có hoạt động ngân hàng thương mại của Việt Nam tại Myanmar hỗ trợ.

Bởi vậy, được sự quan tâm trực tiếp của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, trong các chuyến thăm chính thức và tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tại các cuộc gặp song phương, lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều đề cập ủng hộ, và mong muốn Chính phủ Myanmar sớm cấp phép thành lập Chi nhánh BIDV tại Myanmar.

Theo ông Phạm Thanh Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, trước đây, việc chưa có ngân hàng của Việt Nam ở Myanmar là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Vì vậy, việc BIDV thành lập chi nhánh này sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch của Việt Nam sang Myanmar.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, phát huy kinh nghiệm triển khai thành công tại thị trường Lào và Campuchia trong nhiều năm qua, chắc chắn chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ sớm đi vào hoạt động hiệu quả, cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, khẳng định rõ vai trò đầu tàu, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại thị trường Myanmar, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu thoả thuận hợp tác kinh tế đã được Chính phủ hai nước thống nhất.

Hoài Phi

Tin đọc nhiều