Chính sách giá mới của CIC: Thêm cơ hội cho hệ thống ngân hàng

15:00 | 01/04/2016

Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) tại Việt Nam, do Trung tâm TTTD Quốc gia Việt Nam (CIC) làm đầu mối, đã từng bước bắt nhịp và hòa nhập với dòng chảy của hoạt động TTTD trong khu vực và thế giới. 

Không chỉ hỗ trợ thực hiện tốt các mục tiêu quốc tế, quốc gia về phổ cập tài chính, về quản lý, thanh tra giám sát hệ thống ngân hàng, hoạt động TTTD tại Việt Nam đã thực sự đóng góp tích cực cho việc đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng và nâng cao chất lượng của hoạt động tín dụng, giảm thiểu rủi ro, góp phần ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của hoạt động TTTD trong những năm gần đây, việc vận hành theo các quy định, quy chế về hoạt động TTTD ban hành từ nhiều năm trước đang ngày càng thể hiện rõ những điểm chưa phù hợp. Trong đó nổi cộm là vấn đề về sản phẩm và giá sản phẩm TTTD.

chinh sach gia moi cua cic them co hoi cho he thong ngan hang
Hoạt động TTTD đã thực sự đóng góp tích cực cho việc đảm bảo an toàn và hiệu quả của hệ thống ngân hàng

Quyết định số 30/QĐ-TTTD do Tổng giám đốc CIC ký và có hiệu lực từ ngày 1/3/2016 đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, hạn chế của hoạt động TTTD trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, Quyết định số 30 quy định đầy đủ về các mức giá, mức chiết khấu của các sản phẩm, nhóm sản phẩm TTTD đã, đang và sẽ được cung cấp trong tương lai. Căn cứ vào hình thức cung cấp, danh mục sản phẩm, dịch vụ TTTD được chia thành 3 nhóm, tương ứng với 3 Phụ lục:

- Phụ lục I: Giá của các chỉ tiêu TTTD (139 chỉ tiêu) được chia 6 nhóm là cơ sở để hình thành các sản phẩm tùy chọn theo lô, theo nhu cầu sử dụng.

- Phụ lục II: Giá của các sản phẩm TTTD do CIC thiết kế sẵn, đáp ứng nhu cầu chung nhất của các đơn vị khai thác TTTD.

- Phụ lục III: Giá của các sản phẩm TTTD theo thời gian và đơn vị sử dụng.

Mức chiết khấu theo số lượng khai thác hoặc số chỉ tiêu khai thác cũng được quy định linh hoạt, với nhiều mức giảm tương ứng với số lượng, nhằm khuyến khích việc khai thác TTTD với quy mô lớn.

Thứ hai, giá sản phẩm giảm mạnh so với mức giá cũ được quy định tại Quyết định 47. Theo quy định giá mới, các sản phẩm TTTD khác nhau có mức giảm giá khác nhau, trung bình từ 10 đến 70% tùy loại sản phẩm.

Công nghệ thông tin và sự thay đổi nhận thức là điều kiện tiền đề cho việc giảm giá này. Các giải pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được áp dụng triệt để trong quá trình thu thập, xử lý dữ liệu đầu vào, tạo lập và cung cấp sản phẩm đầu ra. Tỷ lệ tự động hóa cao đã làm giảm mạnh thời gian, chi phí và nguồn nhân lực trong tạo lập sản phẩm và góp phần đáng kể vào giảm giá thành sản phẩm TTTD.

Bên cạnh đó, các TCTD, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài hệ thống ngân hàng đều có sự cải thiện rõ rệt nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động TTTD, tỷ lệ khai thác thông tin đã tăng mạnh qua các năm, góp phần giảm nhanh và mạnh mức độ khấu hao chi phí cố định trong giá thành sản phẩm.

Thứ ba, miễn phí toàn bộ các bản trả lời không có thông tin và toàn bộ các chi phí quản lý, gián tiếp liên quan đến quá trình tạo lập cung cấp sản phẩm. Theo quy định cũ, với mỗi đơn vị sử dụng (theo hợp đồng), CIC thu phí quản lý người sử dụng 2 triệu đồng/năm/hợp đồng với tối đa 6 người sử dụng, từ user thứ 7 trở đi, mức phụ phí là 150 nghìn đồng/user/năm.

Thứ tư, các sản phẩm chi tiết do CIC thiết kế sẵn được tích hợp nhiều thông tin hơn, từ thông tin quan hệ tín dụng đến thông tin thẻ, thông tin tài sản đảm bảo, thông tin hợp đồng tín dụng… Thay vì hỏi riêng lẻ sản phẩm quan hệ tín dụng, sản phẩm thẻ, sản phẩm thông tin tài sản đảm bảo, TCTD chỉ cần khai thác 1 mẫu báo cáo chi tiết để có được các thông tin tổng quát nhất về khách hàng vay.

Với những ưu việt so với quy định giá hiện hành, Quyết định số 30 được đánh giá là bước đột phá mới của CIC và dự kiến sẽ mang lại lợi ích kinh tế, xã hội rất lớn:

Thứ nhất, TCTD, tài chính vi mô, QTDND được sử dụng sản phẩm TTTD bổ sung nhiều thông tin so với sản phẩm cũ, giá sản phẩm giảm, góp phần làm giảm chi phí cấp tín dụng, gián tiếp giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, thay vì chỉ có thể khai thác các sản phẩm cố định do CIC cung cấp, các TCTD hoàn toàn có thể chủ động trong việc đề xuất các mẫu sản phẩm với các chỉ tiêu thông tin cấu thành đa dạng, phù hợp với yêu cầu riêng của đơn vị mình. Qua đó, chi phí cho việc xác minh TTTD cũng giảm tương ứng, góp phần làm giảm lãi suất cho vay của TCTD.

Thứ ba, Quyết định số 30 kết hợp với quy định ưu đãi giảm 50% giá áp dụng cho các TCTD với đối tượng QTDND và tổ chức tài chính vi mô đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị này tích cực hơn, chủ động hơn trong việc tham gia hệ thống TTTD quốc gia, khai thác TTTD để đánh giá khách hàng vay của mình với chi phí cực thấp, hạn chế rủi ro, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, đặc biệt dân cư tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về tài chính, nghĩa vụ vay trả nợ đúng hạn, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các mục tiêu về phổ cập tài chính đang được cộng đồng quốc tế và chính phủ hết sức quan tâm.

Bằng việc ban hành Quyết định số 30, CIC kỳ vọng các TCTD có thể linh hoạt và khai thác triệt để thông tin từ kho dữ liệu của CIC để phục vụ hoạt động tín dụng của tổ chức mình, góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay kích thích tín dụng, tăng trưởng kinh tế.

Với nỗ lực chủ động cải tiến, nghiên cứu gia tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá dịch vụ của NHNN nói chung và CIC nói riêng, CIC hy vọng thực hiện được sứ mệnh của một Trung tâm TTTD Quốc gia, tạo lập và cung cấp các sản phẩm dịch vụ TTTD với chất lượng cao, chi phí hợp lý, đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin của NHNN, các TCTD, các khách hàng vay trong công tác quản lý rủi ro tín dụng, đảm bảo mang lại sự hài lòng và niềm tin cho khách hàng.

Thu Trang - Thùy Trang

Tags: #CIC
Tin đọc nhiều