Cẩn trọng với cho vay ngang hàng |
Trên các trang web vaymuon.vn, Tima, vinavay, vaytienAZ… người vay có thể nhanh chóng vay tiền mà không cần gặp mặt. Mức vay dao động từ 1-10 triệu đồng, thời gian vay vô cùng nhanh, chỉ từ 30 phút tới 1 tiếng đồng hồ.
Ảnh minh họa |
Sự dễ dàng trong việc vay và cho vay ở những tổ chức này do họ đang hoạt động theo mô hình kết nối người vay và các nhà đầu tư có tiền muốn cho vay thông qua công nghệ. Không chỉ hướng đến khách hàng cá nhân, mô hình vay ngang hàng này đang nhắm đến đối tượng là khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về lý thuyết, hình thức cho vay ngang hàng nở rộ không chỉ thu hút được sự tham gia của người vay mà cả những nhà đầu tư có tiền muốn cho vay trực tiếp để hưởng lãi suất cao.
Hình thức vay và cho vay ngang hàng cũng khá đơn giản. Đối với cá nhân, sau khi điền thông tin vào mẫu đơn của một tổ chức vay nào đó thì nhân viên của công ty đó sẽ gọi điện cho người đăng ký trong vòng 30 phút để thông báo số tiền được duyệt về khoản vay.
Ngay sau khi ký hợp đồng, khách hàng có thể nhận được tiền giải ngân thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc tại những điểm giao dịch của các công ty đối tác liên kết như Momo, Payoo…
Đối với khách hàng là doanh nghiệp cũng vậy, để vay tiền hoặc huy động vốn, doanh nghiệp chỉ cần tham gia đăng ký online. Khi nhận được thông tin từ doanh nghiệp, họ sẽ cử người liên lạc, tiếp xúc và hướng dẫn các thủ tục đăng ký nhận vốn đầu tư.
Qua đó, doanh nghiệp có thể huy động vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn trả từ 3 đến 12 tháng, không cần tài sản bảo đảm nếu gọi vốn đến 500 triệu đồng, phê duyệt nhanh trong vòng 48 giờ, được trả nợ trước hạn nếu đã sử dụng vốn trên 2/3 thời gian…
Sẽ không có gì đáng nói nếu hình thức vay ngang hàng hoạt động đúng với mục đích và tiêu chí đúng với quảng cáo mà nó đưa ra. Và hình thức này cũng được phát triển từ lâu trên thế giới từ Anh, Mỹ đến Trung Quốc… Nay du nhập vào Việt Nam cũng được xem là xu thế nhất định.
Thế nhưng, điều đáng nói là mô hình này đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, thậm chí có thể là hình thức cho vay nặng lãi biến tướng; trong khi cũng ẩn chứa rất nhiều rủi ro cho cả bên vay lẫn bên cho vay.
Cụ thể, đối với người đi vay, họ có thể phải chịu mức lãi suất rất cao. Ví dụ nếu vay tại vaymuon.vn, khoản vay 10 triệu đồng thời hạn 30 ngày phải chịu phí 750.000 đồng, lãi 150.000 đồng. Theo đó, số tiền phải trả cho khoản vay này lên đến 10.900.000 đồng/tháng, tương đương lãi suất 9%/tháng (108%/năm).
Vay tại Mofin cũng vậy. Dù thông báo không áp dụng lãi suất, chỉ thu phí tư vấn cố định 150.000 đồng cho bất cứ khoản vay từ 1 - 5 triệu đồng, thế nhưng phí thu xếp khoản vay (tùy thuộc vào khoản vay và thời điểm vay, được công bố chi tiết theo từng khoản vay trước khi người vay đồng ý khoản vay) và thu hộ phí chuyển tiền của nhà đầu tư cho người vay với khoản phí dao động từ 50.000 đồng do nhà đầu tư quyết định. Như vậy, vay 1 triệu đồng trong 1 tháng có thể mất phí đến 200.000 đồng, tương đương 20%/tháng…
Ngược lại đối với người cho vay (tổ chức, nhà đầu tư rót vốn cho vay thông qua các kênh nêu trên) dù được hứa hẹn nhận lợi tức khủng từ 15-22%/năm nhưng không biết có bền vững hay không vì không có gì để bảo đảm.
Nói như một chuyên gia kinh tế thì đây không phải là gửi tiền tiết kiệm lấy lãi mà là đầu tư. Khi đầu tư thì bắt buộc phải có rủi ro phát sinh. Mà rủi ro lớn nhất là mất tiền. Và khi điều đó xảy ra, không có cơ sở pháp lý nào có thể đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vì đây là hình thức cho vay trá hình, lãi suất cho vay đưa ra dựa trên tính toán của nhà đầu tư. Như vậy, pháp luật sẽ không bảo vệ cho hình thức đầu tư này.
Thiết nghĩ, các đối tượng tham gia vào mô hình vay ngang hàng nên có những suy nghĩ và tính toán cẩn thận để tránh rơi vào vòng xoáy lợi dụng của nhóm tín dụng đen, hậu quả là tiền mất, tật mang… Sự sụp đổ gần đây của các tổ chức cho vay ngang hàng tại Trung Quốc là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai còn mơ hồ.
Triều Anh