Đa dạng hóa đòn bẩy giảm nghèo
Có thể nói, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất đánh dấu một một bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào DTTS cũng như quan điểm của Chính phủ trong việc chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ “cho không” sang “cho vay”.
Từ đây, cùng với các chương trình tín dụng chính sách xã hội chung, các chính sách mang tính đặc thù, riêng có với độ phủ ngày càng rộng và sâu đã tạo thêm những hiệu ứng đột phá mới cho khu vực miền núi và DTTS - “lõi nghèo” của cả nước”. Đó là Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 với việc phủ rộng thêm tín dụng chính sách đối với hộ DTTS ra 9/13 tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2008 - 2010. Tiếp đến cuối năm 2013, Chính phủ tiếp tục kéo dài các chương trình này và mở rộng cho vay đối với hộ DTTS để phát triển sản xuất, giải quyết vấn đề đất ở, việc làm trong các Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg.
Đặc biệt với sự tham mưu của NHCSXH, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Chính sách mới này không chỉ tích hợp và tiếp nối các chính sách tín dụng đặc thù cho trước đó, mà đã khắc phục được những hạn chế, bất cấp trước đây như mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách đến hộ người Kinh ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn. Mức cho vay tối đa bằng mức cho vay và thời hạn vay tối đa bằng chương trình cho vay hộ nghèo. Đặc biệt là chính sách mới này đã gắn chặt vốn tín dụng chính sách với phương án sản xuất, kinh doanh của hộ vay và hạn chế được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của đồng bào DTTS, tạo động lực thúc đẩy thoát nghèo bền vững.
“Chính sách tín dụng đối với khu vực miền núi, đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở vùng DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước”, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. |
Lan tỏa chính sách nhân văn đến với đồng bào DTTS
“Là cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ quan tâm đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, đặc biệt đối với vùng DTTS và miền núi luôn được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, cũng là vùng phên dậu quốc gia, NHCSXH đã luôn chú trọng, tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đến với đồng bào DTTS một cách nhanh, hiệu quả nhất”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nói.
Phương thức giải ngân, thu nợ tại xã đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đa số hộ DTTS sống tại vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Đến 31/8/2019 có trên 14,6 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ của NHCSXH, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 34 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung cả nước là 30,4 triệu đồng/hộ.
Những con số này cho thấy hệ thống các chính sách tín dụng chung và chuyên biệt cho vùng miền núi và DTTS của Chính phủ và địa phương đan xen nhau đã và đang tạo thành lực đỡ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho 14,6 triệu đồng bào DTTS (chiếm 14% dân số cả nước).
Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng ngày càng lan tỏa trong đời sống đã góp phần khai phá những tiềm năng của ¾ diện tích tự nhiên của cả nước nơi DTTS sinh sống chuyển hóa thành các động năng phát triển kinh tế góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Đến cuối tháng 8/2019 dư nợ cho vay khu vực miền núi và DTTS đang đạt 2.342 tỷ đồng. Nguồn vốn này đang hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo dựng sinh kế và cải thiện đời sống cho 163.694 hộ . Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững khu vực miền núi và DTTS vẫn là một thách thức trong những năm tới. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao và chiếm hầu hết số lượng hộ nghèo chung của huyện, của tỉnh. Như tỉnh Hà Giang, Lai Châu tỷ lệ hộ nghèo tương ứng là 31 % và 34%, song DTTS chiếm trên 99 % tổng số hộ nghèo. Hay như ở Gia Lai, tỷ lệ hộ nghèo chỉ hơn 10%, số hộ nghèo là người đồng bào DTTS chiếm 87,29% trong đó. Tốc độ giảm nghèo của hộ DTTS còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa để giảm nghèo DTTS không chỉ đi đồng tốc với giảm nghèo chung cả nước mà còn phải có những bứt phá mạnh hơn để giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập và đời sống giữa chính người nghèo ở các vùng miền và hướng tới ngày càng rút ngắn khoảng cách thu nhập với bình quân chung của cả nước.
Gia đình ông Sùng A Khua (dân tộc Mông) ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vay vốn chính sách để nuôi bò, trâu. |
Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, NHCSXH kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều chính sách giúp đồng bào DTTS phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương mình để từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế. Trong đó, NHCSXH đề nghị xem xét xây dựng, ban hành chính sách tín dụng đầu tư theo Đề án giảm nghèo của từng vùng, từng địa phương; hình thành một nguồn vốn riêng và được cân đối bố trí từ Quốc hội để đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với đồng bào DTTS được ưu tiên nhất, chủ động nhất, tránh trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được kịp thời khi các Quyết định được ban hành ra.
NHCSXH cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đối tượng được vay vốn chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, với đối tượng là các hộ DTTS có mức sống trung bình. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý nợ rủi ro riêng, đảm bảo phù hợp với các đối tượng là hộ đồng bào DTTS theo quy định tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg.
NHCSXH cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ DTTS trên địa bàn. Chỉ đạo gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách xã hội với mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tập trung tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS và miền núi. Phát động các phong trào thi đua gắn chất lượng tín dụng nhận ủy thác với tiêu chí thi đua trong hệ thống của tổ chức chính trị - xã hội, có các chính sách động viên, khen thưởng kịp thời cho các đơn vị tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS.
Việt Hải - Mạnh Dũng