Chống buôn lậu, hàng giả: Khó... vì thiếu văn bản hướng dẫn

14:06 | 23/03/2012

Mặc dù, cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực kiểm soát tình hình nhưng hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại vẫn rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân theo Ban chỉ đạo 127 TW, nhiều văn bản chậm được ban hành hoặc chưa sát với thực tế đã gây khó khăn cho thực thi công vụ của các lực lượng chức năng...

Một trong những văn bản như vậy theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 127TW là thiếu Nghị định hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc hội đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2010.

Điều này khiến chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả chưa được cụ thể hóa trong một văn bản mang tính thống nhất, toàn diện và đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật dù đúng về chủ trương, đường lối, tạo điều kiện thông thoáng cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa nhưng lại dễ bị lợi dụng. Cụ thể, thông tư liên tịch số 60/2001/TTLT-BTC- BCT-BCA của liên bộ Tài chính - Công thương - Công an quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường đã bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng bằng cách xuất hóa đơn hợp thức hóa hàng lậu. Quyết định 254/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, nhưng cũng bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng, thu gom hàng hóa, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển vào nội địa tiêu thụ…

Chỉ tính riêng trong năm 2011, các lực lượng chức năng đã phát hiện 33.649 vụ buôn lậu. buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu với trị giá 287,3 tỷ đồng. So với năm 2010, tăng 5.868 vụ, tương đương 20%; trị giá hàng vi phạm tăng 87,5 tỷ đồng, tăng 43%. Điều này cho thấy tình hình buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến  phức tạp với số lượng và quy mô lớn hơn trước.

Sự phức tạp này hoàn toàn dễ hiểu khi các đối tượng tham gia nhập lậu, xuất lậu ngày càng tinh vi trên hầu hết các tuyến đường. Ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, ở tuyến biên giới đường bộ, địa bàn trọng điểm nổi lên là khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh (Lạng Sơn), Tà Lùng (Cao Bằng), Nậm Cắn (Nghệ An), Lao Bảo (Quảng Trị)…

Đối với tuyến đường biển, nổi lên hiện tượng thuyền viên, thủy thủ đoàn trên tàu hàng nhập cảnh lợi dụng cơ chế, cố tình che giấu, không khai báo hàng hóa cá nhân để vận chuyển trái phép hàng hóa lậu. Bên cạnh đó là DN gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, lắp ráp; các DN làm dịch vụ chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, DN thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm… Thủ đoạn phổ biến là lợi dụng bất cập trong chính sách, quy trình như lợi dụng hình thức ưu đãi miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, lợi dụng hình thức chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, khai báo sai về số lượng, tên hàng, mã số thuế, gian lận định mức nguyên phụ liệu…

Riêng trong lĩnh vực tiền tệ, đại diện Bộ Công an cho biết, tình hình buôn lậu vàng, buôn bán trái phép ngoại tệ vẫn diễn ra phổ biến. Năm 2011, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được nhiều vụ vận chuyển vàng trái phép, điển hình như Công an Hà Nội bắt giữ 2 vụ trên 36kg vàng, công an An Giang bắt giữ trên 20kg vàng. Bên cạnh đó, nhiều vụ mua bán ngoại tệ trái phép khác bị bắt giữ, tịch thu hàng trăm nghìn USD...

Nhận định tình hình trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, loại hình kinh doanh tạm nhập tái xuất sẽ là một trong những hành vi làm gia tăng khả năng vi phạm pháp luật đối với hàng hóa qua một số cửa khẩu, cảng lớn của Việt Nam. Rất có thể đây sẽ là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới ma túy, vũ khí, các chất thải nguy hiểm, động vật hoang dã, sản phẩm gia súc, gia cầm... "Để ngăn chặn tình trạng này, cần đặc biệt chú trọng công tác hoàn thiện cơ chế quản lý kinh doanh tạm nhập tái xuất theo hướng không cho phép tạm nhập tái xuất đối với  mặt hàng thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu; rút ngắn thời gian thời gian lưu giữ tại Việt Nam không quá 45 ngày đối với một số hàng hóa nhất định. Chỉ cho phép hàng hóa tạm nhập tái xuất đi qua cửa khẩu chính thay vì các lối mòn, cửa khẩu phụ, chợ biên giới… để tránh tình trạng chia nhỏ lô hàng...", ông Cẩn kiến nghị.

Dương Công Chiến

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều