Sacombank ra mắt sản phẩm tài khoản tiền gửi mới | |
Làm chủ tài chính từ tài khoản tiết kiệm | |
Người trẻ đã biết quản lý tài chính cá nhân? |
Mới đây, Sacombank triển khai sản phẩm Tài khoản Kế hoạch tài chính tương lai dành cho khách hàng Dịch vụ Ngân hàng Cao cấp Sacombank Imperial. Về hình thức, đây là sản phẩm tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, giúp khách hàng chủ động sắp xếp các khoản sinh hoạt phí của gia đình, học phí cho con, trợ cấp cho bố mẹ về hưu, trả góp vay mua nhà…
Theo đó, tùy theo nhu cầu của khách hàng, Sacombank sẽ tự động trích tiền định kỳ (1, 3 hoặc 6 tháng) từ Tài khoản Kế hoạch tài chính tương lai được mở khi khách hàng tham gia sản phẩm để phân bổ vào tài khoản thanh toán tại Sacombank do khách hàng chỉ định và Tài khoản Kế hoạch tài chính tương lai này sẽ tự động tái tục trong suốt thời gian đăng ký (từ 1 đến 5 năm) với lãi suất ưu đãi.
Thực tế, sản phẩm Sacombank Imperial đã ra đời năm 2011, thế nhưng, vì nó là dịch vụ dành riêng cho các khách hàng cao cấp nên không phải ai cũng biết và đủ điều kiện để tham gia. Có điều, vẫn phải thừa nhận rằng đây là dịch vụ hấp dẫn và thiết thực cho người có tiền nhàn rỗi để đầu tư.
Do đó, nhiều người trông đợi không chỉ Sacombank mà nhiều NHTM khác cũng nên nhân rộng mô hình đầu tư thông mình này sang các đối tượng nhỏ hơn, thấp cấp hơn, thậm chí nên triển khai đại trà ở mọi tầng lớp để họ có thể tham gia.
Ảnh minh họa |
Quả vậy, khi trao đổi với chị Thanh Mai, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Mai Thanh, chị chia sẻ dù kinh doanh buôn bán nhỏ nhưng việc này chiếm gần hết quỹ thời gian trong ngày. Vì vậy, chuyện quản lý gia đình, định hình tương lai cho con cái không nhiều. Trong khi đó, chị luôn mong muốn có thể quản lý tài chính bao gồm việc lập các kế hoạch tài chính dài hạn và ngắn hạn, đồng thời quản lý có hiệu quả vốn hoạt động thực của công ty.
Theo chị Mai, đây là công việc rất quan trọng đối với tất cả những người kinh doanh nhỏ bởi vì nó ảnh hưởng đến cách thức và phương thức để nhà quản lý duy trì và mở rộng công việc kinh doanh. “Qua tìm hiểu, tôi thấy một số NH cung cấp dịch vụ quản lý tài chính thông minh nhưng điều kiện tham gia vượt quá tầm. Bên cạnh việc tự lập kế hoạch tài chính đơn giản cho bản thân, tôi hy vọng NH nào đó triển khai dịch vụ dành cho những người trung cấp như tôi”, chị Mai nói.
Trong xu hướng hiện đại, người tiêu dùng không đơn thuần muốn gửi tiền tiết kiệm mà họ muốn xác lập kế hoạch tài chính dài hạn. Tuy nhiên, không phải người nào cũng biết cách để xây dựng một kế hoạch tài chính hoàn hảo, phần lớn trông đợi vào các kênh dịch vụ của NH. Điều đáng tiếc là hiện chỉ có một số ít NH như Sacombank, Viet Capital Bank, Techcombank… thiết lập dịch vụ tài chính thông minh.
Theo đó, trong thời gian chờ đợi các NHTM thiết kế dịch vụ tương ứng, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng trước mắt người tiêu dùng nên làm một số bước cơ bản, qua đó tự lập kế hoạch tài chính ngắn hạn là điều không quá khó.
Trước hết, thống kê tài chính cá nhân. Việc này rất quan trọng để biết bạn đang có những gì. Hãy liệt kê toàn bộ tiền mặt, vàng, tiền gửi, các khoản bạn đang đầu tư (như chứng khoán, bất động sản...), tiền lương và tất cả các nguồn thu nhập khác của bạn như hoa hồng, thưởng. Ngoài việc thống kê tài sản bạn đang có thì bạn còn phải thống kê các khoản nợ mà bạn đang mang.
Kế đó, người tiêu dùng cũng nên lập danh sách những việc chi tiêu dự định trong năm 2016 này với những khoảng thời gian và chi phí cụ thể. Với những chi phí cố định và chi phí phát sinh. Đơn cử, chi phí cố định bao gồm các hóa đơn như: tiền điện, nước, ga, điện thoại, thuê nhà… Chi phí phát sinh như: đi du lịch thì phải là đi đâu, với khoảng chi phí tối đa bao nhiêu, thời gian nào? Mua xe, đổi điện thoại,…
Cuối cùng, cân đối thu nhập – chi tiêu. Việc cân đối này giúp bạn sẽ điều chỉnh cho phù hợp với với 3 ống heo: Heo sinh hoạt, heo đầu tư, heo từ thiện với các mục đích khác nhau. Nếu như việc thu nhập đầu vào của bạn lớn hơn chi phí đầu ra thì tốt. Tuy nhiên chi phí đầu vào của bạn bằng hoặc nhỏ hơn chi phí đầu ra thì bạn phải điều chỉnh để hợp lý. Nếu không thì bạn phải lên kế hoạch để tăng nguồn thu nhập cho phù hợp.
Với những nền tảng có được, bạn sẽ thấy được rằng mình sẽ còn gì và mất gì. Từ đó, sẽ có thể cân đối được hành động sử dụng tài chính có hiệu quả hơn. Bởi, trong cuộc sống dù hiện đại đến đâu, mọi thứ vẫn vận hành theo quy luật và công thức nhất định. Nếu bạn biết cách tính toán và vận hành theo công thức, quản lý tài chính dài hạn không quá khó.
Ví dụ, khi gửi tiết kiệm, người tiêu dùng chỉ cần giữ “Nguyên tắc 72” để lên một kế hoạch tài chính hoàn hảo cho bản thân và gia đình. Nguyên tắc đó là: Lấy 72 chia cho lãi suất năm được hưởng của ngân hàng, bạn sẽ ra được số năm mà tiền gửi tiết kiệm của bạn trong ngân hàng đó sẽ tăng lên gấp đôi. Ví dụ: Bạn đang có 100 triệu và lãi suất tiền gửi theo năm của ngân hàng là 7,4%/năm, để số tiền nhận được cuối cùng là 200 triệu, bạn sẽ mất 72: 7,4 = 9,7 năm. Một con số không tồi so với các kênh đầu tư tài chính khác…
Chi Lâm