Chủ động “nắm đằng chuôi”

14:25 | 25/05/2012

"Trong hầu hết các vụ kiện thương mại, DN nên chủ động tiến hành ở cả tòa án Hoa Kỳ và WTO mới có thể đạt mục tiêu đề ra." - Luật sư William H. Baringger đưa ra lời khuyên.

Thực tế là chúng ta có đủ khả năng để thực hiện những cuộc “lội ngược dòng” thông qua việc kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (CIT) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ lợi ích các nhà xuất khẩu trong nước. Song, Việt Nam chủ yếu lại là bên bị đơn và lo chống bị kiện của nhiều vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Hoa Kỳ. Luật sư William H. Baringger, Văn phòng Luật Curtis, Cố vấn pháp lý cho Chính phủ Việt Nam trong vụ kiện ra WTO đầu tiên của nước ta đưa ra lời khuyên: Trong hầu hết các vụ kiện, DN nên chủ động tiến hành ở cả tòa án Hoa Kỳ và WTO mới có thể đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, tòa án Hoa Kỳ có thể xem là cơ quan có tiếng nói “nặng ký” và trực tiếp hơn đối với các DN nước này, trong khi tìm tới WTO, DN Việt Nam sẽ có đồng minh.

Ông Baringger lấy dẫn chứng từ chính vụ kiện tôm của Việt Nam mà nguyên đơn là Công ty Amanda Food. Sau khi CIT ra phán quyết đầu tiên rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định sai, khi áp thuế suất từ giai đoạn điều tra ban đầu, thay vì áp trong thời gian rà soát cho các bị đơn bắt buộc (theo quy định là 0%), DOC có quyền xem xét, sửa lại các quy định của mình. Tuy nhiên, DOC sau đó vẫn kiên quyết giữ mức thuế suất và chỉ đưa ra thêm các lý do phản biện, thì CIT đã tiếp tục không đồng ý với quyết định đó của DOC và cho rằng chỉ được áp mức 0% là hợp lý nhất. Đồng thời họ có chỉ thị rõ ràng cho DOC là phải đưa mức thuế về 0%.

“Đây là một ưu điểm cho thấy phán quyết của tòa thương mại tốt hơn WTO. Tại WTO với một vấn đề tương tự, họ chỉ đưa ra quyết định phía Hoa Kỳ đã sai nhưng không đưa ra chỉ thị cụ thể là phải làm gì để sửa sai như CIT”, ông Baringger giải thích.

Một lợi điểm khác khi đưa vụ kiện ra CIT, đó là DN có thể yêu cầu tòa đưa ra quyết định khẩn cấp tạm thời để giữ lại khoản tiền thuế đã nộp trong tài khoản hải quan cho đến khi tòa án ra quyết định cuối cùng. Nếu tòa ra quyết định có lợi, DN có thể lấy lại khoản tiền này. Còn WTO thì không có điều khoản này.

Tuy nhiên, ông Baringger cũng khuyến cáo, dù phán quyết của CIT có sức nặng như vậy, nhưng đây lại là cơ quan có quyền lực lớn và có thể nói là khá độc đoán trong việc đưa ra các quyết định. Chẳng hạn, tuy các bên liên quan được gia hạn thời gian nhất định để nộp hồ sơ, đưa ra các bản tranh luận, trình bày, nhưng thẩm phán của CIT thì có nhiều quyền kéo dài thời gian bao lâu tùy thích. Việc này có thể kéo dài thời gian, gây ra nhiều lãng phí cho DN. Bên cạnh đó, CIT cũng hoàn toàn độc lập với Chính phủ Hoa Kỳ, và họ thường xuyên đưa ra những quyết định lật ngược lại, thậm chí bác bỏ quy định của cơ quan hành chính nước này. Bởi vậy, trong bất cứ vụ kiện nào, DN cũng nên kiện lên WTO để tìm được tiếng nói chung và có thêm sự hỗ trợ khi cần thiết.

Trở lại với vụ kiện tôm của Việt Nam, dù CIT đã đưa ra phán quyết từ tháng 7/2012, DOC phải chính thức đưa mức thuế suất về 0%, nhưng cho tới nay, phía Hoa Kỳ vẫn chưa có động thái nào để thực thi quyết định này dù thời hạn chỉ còn chưa đầy 2 tháng.

Vị luật sư người Mỹ cho rằng, Việt Nam có thể tính tới việc đưa ra các biện pháp trả đũa bằng cách tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ tương ứng với mức thiệt hại mà DN phải chịu vì DOC không thực hiện đúng phán quyết của WTO.

“Tuy nhiên, ngay cả vấn đề trả đũa cũng cần tính toán cẩn thận theo nguyên tắc từng bước và tăng dần sức ép. Trước tiên phải khiếu kiện nếu tới thời hạn họ vẫn không thi hành phán quyết của WTO. Sau đó phải dọa áp dụng các biện pháp trả đũa, và nếu phía Hoa Kỳ không sợ mới thực hiện trả đũa thật”, ông Baringger nói.

Ngọc Khanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều