Chủ thẻ tín dụng cũng không nằm ngoài chính sách hỗ trợ

06:27 | 14/09/2021

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, thu nhập của nhiều chủ thẻ tín dụng bị ảnh hưởng, không có khả năng trả nợ đúng hạn. Để chia sẻ khó khăn với khách hàng, các ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ chủ thẻ tín dụng bằng nhiều giải pháp.

chu the tin dung cung khong nam ngoai chinh sach ho tro
Chủ thẻ tín dụng không nằm ngoài gói chính sách hỗ trợ từ ngân hàng

Chủ thẻ tín dụng gặp khó khăn vì dịch bệnh

Chia sẻ với Thoibaonganhang.vn, anh Nguyễn Mạnh Đệ, tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội cho biết, từ sau khi dịch bùng phát công ty của anh đã đóng cửa. Anh không có thu nhập nên đã sử dụng thẻ tín dụng để chi trả hơn 9 triệu đồng tiền sinh hoạt phí và mua nhu yếu phẩm để tích trữ. Đến cuối tháng 7, anh đã trả được hơn 4 triệu đồng, hết dịch sẽ đi làm lại để trả hết số nợ. Nhưng giãn cách xã hội kéo dài, anh vẫn chưa có việc làm, lãi đã lên tới 3%/tháng. Đây thực sự là gánh nặng kinh tế cho gia đình anh lúc này.

Tương tự, chị Nguyễn Thùy Linh (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) chia sẻ, vợ chồng chị có 2 con phải học trực tuyến. Để mua máy tính cho hai con, vợ chồng chị đã quyết định dùng thẻ tín dụng trả góp mỗi tháng gần 8 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi công ty áp dụng quy định làm việc tại nhà, mức lương của chị đã bị giảm hơn 50% nên rất khó khăn trong trang trải cuộc sống.

“Với tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện nay có thể sẽ không xoay xở đủ để trả nợ đúng hạn. Nếu được ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất và không thu phí chậm thanh toán trong thời gian dịch mình cũng yên tâm hơn”, chị Linh chia sẻ.

Theo các chuyên gia, dù món vay qua thẻ tín dụng thường không lớn nhưng lãi suất và phí phạt trả chậm khá cao, nếu không thể trả được trong thời gian miễn lãi (thường là 45 ngày), dư nợ của khách hàng có thể sẽ tăng lên rất nhanh, nguy cơ nợ xấu càng thêm rõ nét.

Để thực hiện tốt hơn nữa chỉ đạo của NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đề nghị NHNN cho phép các TCTD cơ cấu nợ đối với cả dư nợ thẻ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Mặt khác, trong khi chờ các chính sách hỗ trợ mới được ban hành, một số ngân hàng đã chủ động triển khai ngay những giải pháp cho nhóm khách hàng này vượt qua khó khăn tài chính trong mùa dịch.

Bao phủ chính sách hỗ trợ

Với lượng khách hàng khá lớn, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng trong đó có các chủ thẻ tín dụng. Theo đó, kể từ kỳ sao kê tháng 8/2021, chủ động giảm 10% lãi suất thẻ tín dụng xuống còn 11,7%/năm. Đây là mức lãi suất thẻ tín dụng nằm trong nhóm thấp nhất thị trường ở phân khúc này. Hiện Agribank đang cung cấp cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp các sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế Visa, MasterCard và JCB với nhiều hạn mức tín dụng linh hoạt từ 5 triệu đồng đến 2 tỷ đồng.

Trước đó, đại diện Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết, dịch COVID-19 khiến nhiều người không thể thanh toán đúng hạn, dư nợ thẻ tín dụng có thể tăng lên. Do vậy, trong 3 kỳ sao kê của tháng 7, 8, 9/2021, nhà băng này sẽ không thu phí chậm thanh toán thẻ tín dụng. Chủ thẻ ghi nợ nội địa của ngân hàng này sẽ được miễn phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip contactless để mọi giao dịch chi tiêu mua sắm, thanh toán trực tuyến được bảo mật và an toàn hơn.

Còn khách hàng của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) được hoàn đến 30% lãi thẻ tín dụng trong sao kê 3 tháng 8, 9, 10/2021 và trả góp 0% lãi suất không tốn phí kỳ hạn 3 tháng cho các khoản chi tiêu từ 3 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cho phép chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt thông qua máy ATM trong hệ thống để chi tiêu trong kỳ không tính lãi, không tính phí rút tiền đối với những khách hàng có lịch sử nợ tốt.

Đối với khách hàng chưa có thẻ tín dụng nhưng đang gặp khó khăn về tài chính, ngân hàng cũng hỗ trợ khách hàng mở thẻ miễn phí tại nhà, bất chấp đợt cao điểm giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19. Đơn cử, thẻ tín dụng của VIB cho phép khách hàng có thể đăng ký mở thẻ tín dụng ngay tại nhà trong 3 - 5 phút, nhận kết quả phê duyệt hạn mức tín dụng đến 200 triệu đồng, nhận thông tin thẻ sau 5 giây qua ứng dụng của ngân hàng có thể bắt đầu chi tiêu ngay.

Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng không ít chủ thẻ tín dụng lo ngại, mình thuộc nhóm khách hàng nhỏ, lẻ, dư nợ tín dụng thấp nên sẽ yếu thế hơn trong quá trình xét duyệt chính sách ưu đãi. Ông Lê Văn Ron, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khẳng định, đại dịch đã ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng. Xét trên mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch thì việc cho phép cơ cấu nợ đối với số dư nợ thẻ tín dụng là cần thiết.

Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc đa dạng các giải pháp hỗ trợ, trong đó có các chủ thẻ tín dụng cho thấy, ngân hàng luôn thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn của khách hàng để cùng nhau vượt qua đại dịch.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Ái Nhiên

Tin đọc nhiều