Chuỗi cung ứng toàn cầu: Việt Nam chưa biết định vị mình

16:54 | 11/05/2012

Việt Nam đã gia nhập WTO được 5 năm. Nhưng đến nay nhìn lại, những thế mạnh chủ yếu của DN Việt Nam vẫn nằm ở các sản phẩm sơ chế hoặc thâm dụng lao động cao.

Chính bởi vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xuất khẩu (XK) trong giai đoạn hậu gia nhập WTO không tăng nhanh hơn đáng kể so với giai đoạn trước.

Yếu trong liên kết

Trong một diễn đàn về tìm hướng đi cho DN trong khủng hoảng được tổ chức mới đây, lãnh đạo của một DN đã đặt ra câu hỏi cho chuyên gia: "Thế nào là chuỗi giá trị toàn cầu và làm thế nào để tham gia vào chuỗi giá trị ấy. Gần đây có nói nhiều đến việc định vị liên quan đến chuỗi giá trị Việt Nam, song Việt Nam sẽ ở đâu trong 10 hay 20 năm nữa?".

Một câu hỏi tưởng chừng như đã quen thuộc, nhưng đối với vị giám đốc của DN nọ, đó lại là vấn đề làm anh khá "đau đầu" khi xây dựng chiến lược XK cho DN mình. Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường nội địa với các sản phẩm thời trang trẻ em và đã bước đầu XK sang một số thị trường Nga, Đông Âu qua kênh người quen giới thiệu. Nhưng DN này cho biết, việc mở rộng thị trường đang là thách thức lớn khi khách hàng đặt ra những yêu cầu mà DN chưa có khả năng cung ứng.

Còn theo đánh giá của bà Đặng Phương Dung - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện phần lớn các DN dệt may của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng một cách bị động. Đặc biệt do không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên phần lớn DN chỉ đáp ứng cho các đơn hàng gia công. Hiện Việt Nam đang cần khoảng 400.000 tấn bông nhưng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 3.000 tấn; nhu cầu về xơ nhân tạo là 400.000 tấn nhưng chỉ đáp ứng khoảng 120.000 tấn; sản lượng sợi đạt 514.000 tấn và năng lực nhuộm chỉ đạt 0,8 tỷ m/năm; nhu cầu vải là 6 tỷ m/năm thì phải nhập đến 5,2 tỷ m; phụ liệu nhập đến 70%. Năm 2011, XK dệt may đạt 14,04 tỷ USD, chỉ chiếm 3% kim ngạch XK dệt may thế giới; trong khi DN chưa quan tâm đến thị trường trong nước, hệ thống phân phối rời rạc.

Ảnh: ST
Dệt may chủ yếu là gia công.

Với những ngành mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày đã vậy, thì với những ngành đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, khả năng tham gia chuỗi cung ứng của DN Việt Nam lại càng yếu. Đơn cử như ngành điện tử, hiện các DN chủ yếu nhập khẩu linh kiện để lắp ráp các sản phẩm điện tử nên giá trị gia tăng rất thấp. Một trong những nguyên nhân do các DNNVV trong nước không đủ năng lực để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, còn các công ty FDI lại không sử dụng nguồn cung ứng trong nước mà chủ yếu nhập khẩu. Năm 2010, Việt Nam XK khoảng 3,4 tỷ USD các sản phẩm điện tử, nhưng giá trị gia tăng nội địa ước tính chỉ chiếm 5 - 10%. Với ngành chế biến chế tạo, chỉ khoảng 300 DN có đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng.

DN cần chủ động

Theo một nghiên cứu báo cáo về tác động mở cửa thị trường đến hoạt động thương mại của Việt Nam do Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên EU - Việt Nam MUTRAP III và nhóm chuyên gia độc lập thực hiện, mặc dù XK trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cấu trúc hàng hóa XK không có bước đột phá. XK chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên, các mặt hàng nông sản, hàng sử dụng nhiều lao động. Mặc dù DN nước ta đã tham gia vào mạng sản xuất trong khu vực một cách sâu rộng hơn, nhưng chỉ với vai trò là nhà cung cấp hàng trung gian cho các DN khác, trong khi việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu chưa có cải thiện nhiều.

TS. Trương Thị Chí Bình - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vốn đang rất yếu. Do đó, vai trò lớn nhất là Chính phủ, với những quyết sách thật mạnh mẽ, khuyến khích và có ưu đãi để các DN tích cực tham gia. "Điểm yếu của DN Việt Nam hiện nay là không xác định được dung lượng thị trường để mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, xác định hình thức liên kết để đáp ứng cho thị trường và mang lại hiệu quả cho DN", bà Bình phân tích.

Tuy nhiên, ở phương diện khác, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại lại cho rằng, DN cần chủ động trong hội nhập và tạo liên kết để tham gia vào chuỗi giá trị. Bởi trong điều kiện thế giới hội nhập, việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu giúp cho nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Do đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng tất yếu, đặt ra yêu cầu cho mỗi DN cần phải điều chỉnh chiến lược thị trường. Ông Tuyển cho rằng: "Chúng ta không chỉ XK vào từng nước đơn lẻ, mà cần phải tham gia vào chuỗi giá trị của nhiều nước làm cho năng lực cạnh tranh của DN tăng lên. Có thể dựa trên quy mô của từng DN để tham gia vào từng chi tiết của sản phẩm, hay một dây chuyền lắp ráp của sản phẩm".

Lấy ví dụ từ việc chuỗi lắp ráp ô tô, ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, một chiếc ô tô mà nước Mỹ lắp ráp có rất nhiều linh kiện được nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau. Do vậy, trong hàng nghìn linh kiện của ô tô, DN Việt Nam cần đánh giá khả năng cung ứng với những lợi thế riêng biệt.

"Nếu DN không có khả năng sản xuất ra chuỗi sản phẩm với hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm mà cần lựa chọn những gì DN có khả năng cung ứng tốt. Phải làm sao phát huy được thế mạnh của chúng ta so với người khác. Mỗi DN cần nghiên cứu sản phẩm của mình có gì, khả năng của mình là gì thì mới quyết định đường hướng trong hoạt động của mình", ông Thành khuyến nghị.

Nhân Sơn

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều