Chuyển đổi mô hình chợ truyền thống: Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp

09:34 | 17/07/2019

Việc cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thành phố cần có những chính sách, giải pháp để mời gọi các DN tham gia đầu tư.

Chợ truyền thống thành điểm du lịch
Khó trong quản lý chợ truyền thống
Chợ truyền thống tồn tại nhiều bất cập

Nhiều chợ truyền thống xuống cấp

Hiện trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều chợ truyền thống phục vụ nhu cầu của dân cư, nhất là khu vực ngoại thành. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, thành phố hiện có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1; 56 chợ hạng 2 và 352 chợ hạng 3. Đến nay, tính chung trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 167/454 chợ, đạt 36,8%. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, phần lớn các chợ truyền thống đã và đang xuống cấp, cần sớm đầu tư nâng cấp và cải tạo.

chuyen doi mo hinh cho truyen thong can co che thu hut doanh nghiep
Nhiều chợ truyền thống đã xuống cấp trầm trọng

Thành phố cũng đã có những chính sách như duyệt chi ngân sách, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, sự tham gia của nhiều sở ngành… nhằm nâng cao chất lượng và cải tạo các chợ. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và các DN tham gia vào đầu tư nâng cấp chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn. Đánh giá của các DN cho thấy, các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo chợ đều có quy mô nhỏ, lợi nhuận ít, việc quản lý phức tạp, trong quá trình triển khai thường gặp phản ứng của cộng đồng tiểu thương. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã tham gia xây dựng chợ nhưng không tìm được tiếng nói chung với các hộ kinh doanh khiến cho nhiều chợ rơi vào tình trạng xây xong mà vẫn đóng cửa, gây lãng phí đầu tư. Chính vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên các DN cũng không thật sự mặn mà đầu tư vào các dự án cải tạo chợ truyền thống.

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng, nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ từ ngân sách còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Trong khi nguồn vốn xã hội hóa, dù các cơ quan chức năng lẫn các đơn vị đã tích cực kêu gọi, nhưng chưa được các DN quan tâm. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cải tạo chợ, ảnh hưởng đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ… Trong quá trình kinh doanh, khai thác chợ với mục tiêu bảo đảm dân sinh, các đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng giá sử dụng diện tích bán hàng để bảo đảm các chi phí, đặc biệt là tiền thuê đất, dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất…

Cần có cơ chế để xã hội hóa

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND, quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn. Quy hoạch mạng lưới chợ là căn cứ để các cấp chính quyền quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ theo quy hoạch; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn theo quy hoạch; giải tỏa chợ không phù hợp với quy hoạch.

Theo Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua đã được thành phố hết sức quan tâm, hệ thống pháp luật về chợ tương đối đầy đủ từ công tác quy hoạch và triển khai chỉ đạo theo nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, công tác quản lý chợ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, còn những bất cập rất lớn, ảnh hưởng tiềm ẩn đến an ninh trật tự, do đó, các sở như Công thương, Tài chính, Nông nghiệp & PTNT, Tài nguyên & Môi trường cần đôn đốc các quận, huyện chỉ đạo thực hiện tốt mô hình chuyển đổi chợ.

Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất với UBND thành phố về cơ chế kết hợp hiệu quả các nguồn vốn, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, phương thức hợp tác công – tư. Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo... nhằm đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn.

Theo Sở Công thương Hà Nội, sự kêu gọi các DN tham gia vào việc đầu tư nâng cấp cải tạo chợ truyền thống đã xuống cấp là hết sức cần thiết. Thời gian qua cũng đã có nhiều DN tham gia đầu tư và khai thác chợ. Trong năm 2019, thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi và mời gọi nhiều thành phần kinh tế tham gia. Do đó, Sở Công thương đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn thành phố năm 2019 đợt 1. Cho phép các DN quản lý, kinh doanh chợ, khi đầu tư, cải tạo được vay vốn ưu đãi tại Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho rằng, việc cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thành phố cần có những chính sách, giải pháp để mời gọi các DN tham gia đầu tư. Theo đó, đối với các DN, hợp tác xã đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh trong từng trường hợp được giao, hoặc cho thuê điểm kinh doanh. Có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ… Qua đó đáp ứng mục tiêu phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững của thành phố.

Việc cải tạo, xây dựng lại các chợ cũ tại Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh tốt hơn, đồng thời tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thành phố cần có những chính sách, giải pháp để mời gọi các DN tham gia đầu tư. Theo đó, đối với các DN, hợp tác xã đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh trong từng trường hợp được giao, hoặc cho thuê điểm kinh doanh. Có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ…

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều