Chuyển đổi số ngân hàng: Không thể chậm trễ

10:27 | 13/08/2020

Giới chuyên gia cho rằng, không chỉ về cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ số cũng rất cần được chú trọng.

Tất cả đều phải tăng tốc

Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước là tài chính - ngân hàng.

Trong khi ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ mở ra rất nhiều cơ hội và cả thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng nói riêng. Thêm nữa, giữa bối cảnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm tới nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì chính việc giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp lại là cơ hội để hệ thống ngân hàng có những giải pháp chuyển đổi số ráo riết hơn, mạnh mẽ hơn.

chuyen doi so ngan hang khong the cham tre
Các ngân hàng đang nỗ lực “số hóa” hoạt động để mang lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng

Các ngân hàng hiện nay hầu hết đã coi các ứng dụng công nghệ chính là nền tảng, vai trò trung tâm trong thiết lập mô hình kinh doanh để cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Như trường hợp Vietcombank, cách đây hai năm, ngân hàng này đã tổ chức lễ khởi động Dự án “Chuyển đổi ngân hàng số” và Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cũng nhấn mạnh rằng xu hướng phát triển ngân hàng số được coi là tương lai của ngân hàng, bởi thế đây là một trong những dự án chiến lược của Vietcombank để hiện thực hoá mục tiêu trở thành ngân hàng dẫn đầu lĩnh vực này trên thị trường.

Với MB cũng vậy. Ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc MB cũng cho hay, ngân hàng coi chuyển dịch số là 1 trong 3 chiến lược phát triển quan trọng bậc nhất trong vòng 5 năm tới…

Đặc biệt năm 2020 được nhiều ngân hàng lựa chọn là năm chuyển đổi số, bởi thế mà ngay từ đầu năm tới nay, thị trường đã ghi nhận một vài dấu ấn “số” nổi bật của các nhà băng. Theo đó, hiện không ít ngân hàng đã triển khai dịch vụ rút tiền bằng mã QR như Vietcombank, VietinBank… trước đó là TPBank, BIDV, Sacombank. Trung tuần tháng 7/2020, Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCBDigibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến, thay thế cho các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây. VCBDigibank cung cấp trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/laptop) và các thiết bị di động (điện thoại/tablet). Theo chia sẻ từ đại diện Vietcombank, trong vòng gần 1 tuần đầu ra mắt đã có hơn 60% khách hàng hiện hữu chuyển đổi sang dịch vụ mới VCBDigibank. Hay như VietinBank trong tháng 6 vừa qua đã nâng cấp phiên bản VietinBank iPay Mobile 5.1, nâng tổng số tính năng cung cấp tới khách hàng lên tới hơn 100 tính năng. BIDV ra mắt Ứng dụng BIDV Home - Vay mua nhà thông qua thiết bị di động.

chuyen doi so ngan hang khong the cham tre
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh trải nghiệm tính năng phát hành thẻ chip tại TPBank liveBank

Với khối NHTMCP, Nam A Bank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch, đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM. Trong khi TPBank chính thức cập nhật thêm công nghệ nhận diện khuôn mặt trên kênh ngân hàng tự động LiveBank, nâng cấp ứng dụng eBank X. Còn VPBank lại là ngân hàng đầu tiên triển khai giải pháp eKYC, định danh khách hàng 100% online dựa vào các thông tin sinh trắc học (biometrics) mà không cần gặp mặt trực tiếp như quy trình hiện tại…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank - một trong những ngân hàng xác định năm 2020 là năm chuyển đổi số cho rằng, số hoá đã và đang chứng minh là đòn bẩy giúp ngân hàng tăng thu từ hoạt động phi tín dụng, tiết kiệm chi phí nhân lực, triển khai dịch vụ mới, đổi mới giám sát hoạt động, quản lý rủi ro… “Cộng thêm những quy định, khung khổ pháp lý cho hoạt động TTKDTM ngày càng được hoàn thiện, thì số hoá tiếp tục là lựa chọn không thể khác để các ngân hàng tăng thêm khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới mọi người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, bà Thảo chia sẻ.

Cơ chế sẽ tạo đà phát triển

Giới chuyên gia nhìn nhận, chuyển đổi số trước tiên phải là chuyển đổi nhận thức. Theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, “chuyển đổi số có nhiều mô hình, mỗi một ngân hàng có thể tuỳ theo điều kiện thực tiễn để áp dụng mô hình phù hợp, không nhất thiết ngay bước đầu tiên phải đặt mục tiêu quá to tát là phát triển một ngân hàng số mới, vì chi phí là rất lớn và không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực tài chính”.

Theo đó, có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hoá tài sản thông tin, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Cụ thể hơn, có thể số hoá ngay những mảng nghiệp vụ, hoặc từng quy trình, sản phẩm - dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng, hay tập trung hướng khách hàng tới mô hình vận hành digital first, giảm thiểu tương tác tại các điểm vật lý; vận hành trên nền tảng đa kênh đồng nhất… Chuyên gia cho rằng, việc đi nhanh và đi trước sẽ tạo ra thuận lợi trong thu hút nguồn lực. Và ngược lại, nếu chậm chân thì ngân hàng sẽ tự khép hẹp lại cánh cửa phát triển của mình khi cơ hội sẽ dần ít đi.

chuyen doi so ngan hang khong the cham tre

Dù vậy, thì chuyển đổi số cũng đặt ra rất nhiều thách thức đối với các ngân hàng, trong đó một cơ chế, chính sách tạo cơ hội cho chuyển đổi số là vô cùng quan trọng. Dưới góc độ quản lý, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định NHNN sẽ hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thông qua hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo thuận lợi để lĩnh vực ngân hàng bứt phá, sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro, thách thức. Ngành Ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành dẫn đầu trong ứng dụng thành tựu CMCN 4.0; khuôn khổ chính sách, hạ tầng công nghệ liên tục được hoàn thiện để đáp ứng tốt các nhu cầu thực tiễn.

Để xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng số, một trong những điểm đáng quan tâm là NHNN đã khẩn trương xây dựng, xin ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, một trong những giải pháp nữa được NHNN đặt ra là xây dựng hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); hướng dẫn chi tiết về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng, phòng ngừa rủi ro an ninh mạng (cyber security). NHNN hiện cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cơ chế Sandbox và đang chuẩn bị Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định về thể chế thử nghiệm Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, không chỉ về cơ chế, chính sách, hạ tầng công nghệ số cũng rất cần được chú trọng. Phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành Ngân hàng hỗ trợ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ số, chia sẻ dữ liệu số. Cùng với đó tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Mở rộng và kết nối hệ sinh thái là việc rất quan trọng, xuất phát từ chính ngân hàng và là việc phải làm. Có thể thấy ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của các nhà băng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (mà trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu đảm bảo an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng. Cũng theo chuyên gia, NHNN nên nghiên cứu, đề xuất, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho các DN công nghệ số nhằm hỗ trợ các sản phẩm chuyển đổi số chủ lực, giúp ngân hàng thực hiện chuyển đổi số.

Minh Khôi

Tin đọc nhiều