Trong khuôn khổ “Ngày không tiền mặt” năm 2022 do Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và báo Tuổi Trẻ tổ chức, Hội thảo - triển lãm chủ đề "Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt" cũng đã diễn ra chiều 17/6 tại khách sạn Lotte (Hà Nội). Tại đây, ông Lưu Trung Thái đã có bài tham luận với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng và bài học kinh nghiệm của MB”.
MB là ngân hàng tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trên App MBBank |
Mở đầu bài tham luận, vị CEO nhấn mạnh những giá trị thiết thực mà chuyển đổi số mang lại. Với cá nhân, các giao dịch sẽ được an toàn, dù bảo mật là thách thức lớn nhưng sẽ được phát triển và được quan tâm trong khi việc trải nghiệm mang lại sự lý thú, không bị gián đoạn. Hiện MB đang bán 30 nghìn sản phẩm trên nền tảng số.
Đối với doanh nghiệp, bên cạnh tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm chi phí, chuyển đổi số còn tạo ra “không gian và cơ hội kinh doanh mới”, tạo tiền đề để các doanh nghiệp phát triển hơn. Trong bối cảnh “không bình thường” khi COVID-19 diễn ra, MB nhìn thấy yêu cầu tăng trải nghiệm online rất nhanh, khách hàng không muốn đến ngân hàng mà vẫn muốn có thêm các trải nghiệm. Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi đây “không còn là miếng bánh của riêng ngân hàng”, đặt ra yêu cầu MB phải chuyển đổi số và tăng tốc mạnh mẽ, ông Lưu Trung Thái cho biết thêm.
Theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra là đến năm 2025, tối thiểu 70% giao dịch thuộc về kênh số. Tuy nhiên, MB đã sớm vượt con số này khi năm 2021, đã có trên 93% giao dịch tại ngân hàng này là trên nền tảng số. Với định hướng trở thành doanh nghiệp số trong ngành Ngân hàng, giao dịch chuyển tiền qua kênh số của MB luôn nằm trong top dẫn đầu.
Theo đó, MB ưu tiên chiến lược hành động đồng bộ, quyết liệt, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Trong đó, MB tập trung phát triển hai nền tảng chủ lực là App MBBank (dành cho khách hàng cá nhân) và BIZ MBBank (dành cho khách hàng doanh nghiệp).
Tuy vậy, thách thức đặt ra trong chuyển đổi số chính là các vấn đề liên quan đến lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh.
Về nhân sự, yêu cầu đặt ra là phải tăng hiệu suất, có những con người đủ khả năng làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở công nghệ cao, với nền tảng dữ liệu lớn. Nhận thấy điều này, MB đã sớm thành lập Khối Dữ liệu nhằm triển khai mạnh mẽ và triệt để việc quản lý cơ sở dữ liệu. Đối với những thách thức về cạnh tranh, MB đã và đang vừa cạnh tranh, vừa hợp tác để tăng nhanh các kết nối.
“Giải pháp tối ưu là cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành Ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ”, ông Lưu Trung Thái đề xuất.
Đức Hiền