Chuyển hướng sang thị trường gần

14:31 | 20/04/2012

Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đều đang gặp khó khăn dẫn đến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% trong năm nay, nhiều chuyên gia nhận định, đã đến lúc Việt Nam cần chuyển hướng sang các thị trường gần hơn về mặt địa lý, cụ thể là châu Á.

Xuất khẩu lao đao

Theo Cục Xúc tiến thương mại, 3 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,1%, chưa bằng một nửa mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất, với 18 trên tổng số 32 nhóm hàng ghi nhận chỉ số sản xuất giảm, trong đó có những nhóm hàng chủ lực của xuất khẩu như sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy...

Ảnh: BĐT
Xuất khẩu sang các thị trường châu Á sẽ tiết giảm được khá nhiều chi phí vận chuyển. (Ảnh: BĐT)

Còn theo Bộ Công Thương, xuất khẩu 3 tháng đầu năm mới chỉ đạt 22% mục tiêu đề ra cho cả năm, vì vậy mặc dù chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ở mức 13%, thấp hơn nhiều so với 33% của năm ngoái song để đạt được cũng không phải dễ dàng. Báo cáo chính thức của Bộ Công Thương cũng thừa nhận, quý I/2012, ngành dệt may - một trong những ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - gặp nhiều khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành là EU đã giảm 25-30% nhu cầu so với cùng thời điểm năm 2011. Tương tự, ngành da giày cũng chịu tác động bởi sự sụt giảm đến 30% số lượng đơn hàng trong quý I; các ngành nông - lâm - thủy sản cũng tăng trưởng ít hơn 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này được chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ tại Việt Nam, ông Warren Hogan, giải thích là do cơ cấu thương mại của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào châu Âu, vì vậy khi thị trường này biến động thì cán cân thương mại của Việt Nam, cụ thể là xuất khẩu, cũng gặp nhiều xáo trộn lớn.

Châu Á - thị trường tiềm năng

Giữa bối cảnh đó, ANZ đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên chú trọng đến thị trường các nước châu Á để bù đắp lượng xuất khẩu giảm từ các thị trường truyền thống, nhằm tránh tập trung rủi ro và bảo toàn được sản xuất. "Mặc dù tăng trưởng yếu đi ở châu Âu sẽ tác động ít nhiều đến Việt Nam, song với đà phục hồi nhanh chóng của Mỹ và Trung Quốc, đây sẽ là những thị trường xuất khẩu thay thế của Việt Nam trong những năm tới", ông Hogan cho hay.

Quả thật, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khi xuất khẩu dệt may sang EU chỉ tăng 3,5% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ, thì dệt may sang các thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc tăng mạnh, đặc biệt tăng đến 55% ở thị trường Hàn Quốc so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mặc dù các nền kinh tế châu Á cũng bị tác động bởi khủng hoảng tại châu Âu, song với tiềm lực tăng trưởng vẫn còn cao, cộng thêm việc nhiều nước nằm ngoài vùng ảnh hưởng của kinh tế châu Âu và Mỹ, nên trong năm 2012 châu Á vẫn là động lực phát triển chính của nền kinh tế toàn cầu. "Sự hỗ trợ từ tiêu dùng trong nước là một trong các yếu tố chính giúp các nền kinh tế châu Á vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, dự kiến mức tăng trưởng ở các nước này sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2013", báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB nhận định.

Không bỏ trứng vào một giỏ

Xuất khẩu sang các nước trong khu vực đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt trong quá trình tìm kiếm thị trường và không ngại thay đổi chiến lược kinh doanh. Khai thác được các nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực sẽ không những giúp doanh nghiệp tiếp cận với những thị trường năng động mà còn giảm được giá thành một cách đáng kể do tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, tiêu chuẩn đối với các mặt hàng nhập khẩu của phần lớn các nước trong khu vực cũng được cho là "dễ thở" hơn so với các thị trường nặng về chính sách bảo hộ như châu Âu và Mỹ, vì thế doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển.

Tuy nhiên thị trường nào cũng có những khó khăn riêng. Nguy cơ lớn nhất của kinh tế châu Á trong năm nay là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu tiếp tục diễn biến xấu. Nếu một quốc gia EU xảy ra tình trạng vỡ nợ, nền kinh tế toàn cầu, trong đó có các nước châu Á, sẽ bị chấn động mạnh: thương mại sụt giảm, các nguồn đầu tư cạn kiệt sẽ đẩy châu Á vào vòng suy thoái. ADB cho rằng nguy cơ trong ngắn hạn đã giảm khi tháng 3/2012 Hy Lạp thực hiện "vỡ nợ trong trật tự", nhưng kể cả khi tình trạng vỡ nợ không xảy ra, việc kêu gọi thắt lưng buộc bụng tại châu Âu cũng đang là tác nhân kìm hãm sự phát triển của châu Á.

Bài học từ châu Âu cho thấy một thị trường dù tiềm năng và có vẻ vững chắc đến mức nào cũng sẽ có lúc trở nên lao đao, vì vậy mặc dù thị trường châu Á đang đầy cơ hội song vẫn không đảm bảo có thể là "bến đỗ" duy nhất của các nhà xuất khẩu. Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp phải luôn linh hoạt trong việc tiếp cận thị trường mới, luôn có những phương án dự phòng để tạo thành lớp đệm chống "shock" mỗi khi khủng hoảng xảy ra.

Lương Kim

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều