Tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ từ 7/6/2018 đến 13/6/2018 | |
Chính sách tỷ giá đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế |
Một hội chợ triển lãm về định cư nước ngoài có tên VnOPI vừa được tổ chức tại TP.HCM đã thu hút được hàng chục nghìn người tham gia triển lãm. Đối với đơn vị tổ chức, chương trình thành công vượt mong đợi vì không ngờ người có nhu cầu tìm hiểu về định cư nước ngoài lại lớn như vậy. Với người tham gia, khi trao đổi họ thể hiện niềm vui vì được tiếp cận nhiều thông tin để có thể thực hiện được giấc mơ định cư ở những nước phát triển.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, những người tham gia hội chợ cũng nói nhiều về việc làm cách nào để chuyển tiền từ Việt Nam sang nước ngoài một cách hợp pháp. Bởi nếu làm sai luật, hành động chuyển tiền này có thể bị quy kết với tội rửa tiền?
Phải thừa nhận rằng, nhu cầu đầu tư định cư của người Việt âm ỉ từ lâu. Thế nhưng, nhu cầu này phải gọi là bùng phát từ 2 năm trở lại đây. Trao đổi với nhiều người có tiền, họ luôn đau đáu về việc làm thế nào để có thể chuyển tiền ra nước ngoài một cách nhanh nhất, rẻ nhất mà lại hợp pháp!
Trong số những người đang tìm hiểu về đầu tư định cư tại hội chợ, vẫn không hiếm gặp những người vẫn lựa chọn chuyển số tiền lớn qua nước ngoài theo kiểu “chợ đen”. Hình thức là đưa tiền cho một số người ở Việt Nam, rồi ở bên đây có người nộp tiền vào tài khoản của họ hàng tại nước ngoài…
Đơn cử, chỉ cần người muốn định cư bằng hình thức đầu tư có PR và có thể chứng minh nguồn tiền sạch ở Việt Nam (bán nhà, thu nhập qua tài khoản, bán cổ phần công ty, cho tặng thừa kế...), người đó có thể chuyển tiền một cách hợp pháp qua ngân hàng và không giới hạn số tiền chuyển. Một số ngân hàng Việt Nam thường thu phí theo % dựa trên số tiền chuyển đi, nhưng một số ngân hàng lại tính phí chuyển tiền theo lần.
Trong khi đó, nếu chọn hình thức gửi tiền qua các công ty xuất nhập khẩu thì mức phí cũng được tính theo % như ngân hàng. Ví như mức phí chuyển tiền mà công ty H. (quận 1-TP.HCM) giới thiệu là từ 2 - 2,5% trên tổng số tiền chuyển đi. Người gửi tiền sẽ được công ty H. tư vấn là chuyển tiền dưới dạng ký hợp đồng xuất khẩu của một doanh nghiệp trong nước có đối tác ở Mỹ và người gửi tiền là người bán hàng, đối tác ở Mỹ sẽ thanh toán vào tài khoản của dự án đầu tư.
Trước đó, người gửi tiền phải nộp số tiền này cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Mọi thủ tục nộp tiền, thanh toán đều được thực hiện qua một đơn vị trung gian. Thế nhưng, khi tiến hành giao dịch thì mức phí mà người gửi phải trả cho công ty lên tới 4% thay vì 2-2,5% như đã quảng cáo.
Hoặc một hình thức chuyển tiền khác được công ty H. tư vấn là thông qua hợp đồng xuất khẩu hàng hóa nhưng có công ty tư vấn cam kết sẽ hỗ trợ khách hàng mở một tài khoản ngân hàng tại Hồng Kông hoặc Singapore để nhận tiền thanh toán. Từ đó, tiền sẽ được chuyển khoản vào dự án đầu tư ở Mỹ…
Nhìn chung, khi có ý định đầu tư định cư thì người đầu tư thường tiếp cận các công ty tư vấn như công ty tư vấn đầu tư, công ty tư vấn du học, công ty du lịch… trước nên những thông tin về chuyển tiền được đề cập từ đây. Tại các công ty này, họ thường tư vấn người gửi tiền thông qua các kênh không chính thống nhiều hơn để né phí cao thay vì tìm đến ngân hàng. Vì tại ngân hàng, không chỉ phí cao mà việc chứng minh nguồn tiền chuyển đi cũng rất phức tạp.
Tuy nhiên, người gửi không biết rằng đối với luật pháp rất nhiều nước, nếu số tiền chuyển qua đây không có xuất xứ rõ ràng, chính đáng, không biết ai là người bỏ vào thì đây là những hành vi rửa tiền. Mặc dù số tiền này ở Việt Nam là làm ăn hợp pháp, chính đáng, nhưng nguồn tiền vào tài khoản không có nguồn gốc đi từ ngân hàng ở Việt Nam được coi là rửa tiền.
Nói như vậy không có nghĩa là quy kết tất cả mọi người ở Việt Nam kiếm tiền không hợp pháp, nhưng gửi tiền mà không nêu rõ lý do và có giấy tờ chính đáng thì bị chính phủ các nước coi là nguồn tiền “không sạch”. Số tiền đó có thể bị tịch thu, người gửi và nhận tiền có thể bị truy tố trước luật pháp.
Nếu chuyển tiền từ Việt Nam qua nước ngoài thông qua ngân hàng thì hoàn toàn hợp pháp vì nguồn xuất và nhập đều qua tài khoản ngân hàng và có thể truy vấn nguồn gốc, nghĩa vụ thuế…
Nhận định về những hình thức này, chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, tiền chuyển đi không qua ngân hàng là rủi ro vì bất hợp pháp, dù dưới hình thức nào thì mọi hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài đều là chuyển ngân “lậu”. Điều đó khiến nhà đầu tư phải đối diện với hàng loạt rủi ro như mất hết tiền vì đưa cho một doanh nghiệp, hay một tổ chức không có giấy phép, không được nhà nước chấp thuận để thực hiện hành vi chuyển tiền. Khi có bất kỳ mất mát, gian lận nào thì không biết kêu cứu với ai. Chính phủ nhiều nước cũng sẽ truy cứu nguồn gốc số tiền lớn từ đâu được chuyển vào tài khoản cá nhân.
Theo quy định, một doanh nghiệp ở Việt Nam vay tiền từ các tổ chức cá nhân bằng tiền đồng thì cũng phải trả lại bằng tiền đồng. Việc ký hợp đồng xuất khẩu thông thường chỉ được thực hiện giữa các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đã từng có đối tác tại thị trường Mỹ…
Thiết nghĩ, những người có ý định đầu tư định cư tại nước ngoài cần tìm hiểu thêm thông tin từ nhiều kênh khác ngoài công ty tư vấn để tránh bị mất tiền oan. Theo đó, tại các ngân hàng hiện nay cũng có rất nhiều gói tư vấn về chuyển tiền nước ngoài, người có nhu cầu đầu tư định cư có thể tìm đến ngân hàng để tham khảo trước khi đưa ra những quyết định chuyển tiền không chính thức…
KIM