Chuyển toàn bộ DNNN thành CTCP trong vòng 1 tháng

10:19 | 05/04/2012

Đây là đề xuất giải pháp vừa được Hiệp hội các NĐT Tài chính (VAFI) gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cân nhắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN trong bối cảnh hiện nay.

Theo Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải, tiến trình cải cách DNNN đã được 20 năm, quá trình cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm chạp, đã thu được nhiều thành tựu và bài học kinh nghiệm đồng thời đã xác định chân lý là chỉ có CPH và niêm yết chứng khoán mới là con đường cải cách thực sự. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng trăm DNNN là những DN độc quyền, DN công ích hay là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… chưa có kế hoạch CPH trong trung hạn vì nhiều lý do khác nhau. Thế nhưng chúng ta chưa có những chính sách quản lý hữu hiệu.


VAFI đề xuất với Bộ Tài chính giải pháp chuyển nhanh toàn bộ DNNN thuộc đối tượng chưa CPH trong trung hạn thành CTCP với 3 cố đông pháp nhân ban đầu. (Ảnh: St)

Vì vậy, VAFI đề xuất với Bộ Tài chính giải pháp chuyển nhanh toàn bộ DNNN thuộc đối tượng chưa CPH trong trung hạn thành CTCP với 3 cổ đông pháp nhân ban đầu. Cụ thể, giao cho đại diện công đoàn nắm giữ 1 cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cp; giao cho tổ chức Đảng ở cơ sở nắm giữ 1 cổ phần; Nhà nước mà đại diện là các Bộ ngành, UBND tỉnh, các Tập đoàn, TCT nhà nước nắm giữ 99,999%… vốn.

VAFI cho rằng, đây không phải là hình thức CPH mà chỉ đơn thuần là dùng biện pháp kỹ thuật để chuyển nhanh toàn bộ DNNN một thành viên thành CTCP với 3 cổ đông. Khi triển khai thực hiện giải pháp này, không cần phải thành lập Ban cổ phần hóa tại DN, không cần phải kiểm kê định giá DN, không cần phải IPO… mà chỉ đơn thuần bằng một quyết định chuyển đổi với các dữ liệu theo sổ sách kế toán.

Ông Hải cho rằng, nếu thực hiện theo sáng kiến của VAFI thì sẽ điều tiết lợi nhuận sau thuế để đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) và công tác quản trị DN. Bởi lẽ, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng toàn bộ cổ tức được chia tại CTCP có vốn Nhà nước phải nộp cho NSNN. Chẳng hạn như Thai Lan, hiện Chính phủ nước này chỉ nắm giữ 51% cổ phần tại vài chục DN lớn, nhưng hàng năm tiền cổ tức chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN.

Còn ở Việt Nam, theo tính toán của VAFI, nếu đề xuất đựơc thực hiện vào năm 2013, ước tính tổng số tiền cổ tức thu được sẽ khoảng 4 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 15% tổng thu NSNN nếu các cơ quan nhà nước đòi hỏi chặt chẽ với khối DNNN.

VAFI cũng cho rằng, thật là không công bằng khi nhiều DNNN được hưởng cơ chế độc quyền kinh doanh, được quản lý kinh doanh nguồn tài nguyên lớn của đất nước như: Mobifone, Vinaphone, Viettell, Petro VN, TKV… lại không phải đóng cổ tức cho Nhà nước. Trong khi rất nhiều DN CPH ở vị thế kinh doanh kém hơn nhiều, thu nhập người lao động thấp hơn nhiều thì vẫn tích cực nộp tiền cổ tức cho Nhà nước. "Từ trước tới nay, chúng ta chưa đòi hỏi nhiều ở giới lãnh đạo DNNN, hay nói cách khác là quá dễ dãi với người quản lý DNNN. Nên rất nhiều DNNN coi nhẹ chỉ tiêu lợi nhuận. Nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước "vung tay" đầu tư, sử dụng hết phần cổ tức của các công ty con, lợi nhuận của tập đoàn, thậm chí vay nợ lớn để đầu tư dàn trải, rồi lại tiếp tục thành lập DNNN mới… Một bộ phận giới quản lý DNNN chỉ thích đầu tư, vẽ dự án để kiếm chác hoa hồng, tiêu cực, tham nhũng, làm giàu cho bản thân mà không nghĩ tới việc bảo toàn vốn nhà nước… Vì vậy, thực hiện giải pháp này là để có cơ sở buộc khối DNNN phải có nghĩa vụ nộp tiền cổ tức hàng năm theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng hoặc theo mức cổ tức bình quân trong ngành. Nhằm đào thải những nhà quản lý yếu kém, buộc giới quản lý DNNN phải chú trọng tuyển dụng và trân trọng người tài" - công văn của VAFI hiến kế.

Trần Hương

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều