Đại hội đồng cổ đông bất thường của BIDV:

Cổ đông sẵn sàng chia sẻ khó khăn với ngân hàng

09:31 | 24/10/2016

Cổ đông BIDV đề xuất năm sau nên chia cổ tức thành hai đợt. Đợt 1 tạm ứng tiền mặt và đợt 2 chia một phần bằng cổ phiếu. Nếu ngân hàng khó khăn trong việc tăng vốn thì cổ đông sẽ sẵn sàng góp.

BIDV báo lãi 5.600 tỷ đồng, chốt trả cổ tức tiền mặt 8,5%
BIDV dành gần 2,9 tỷ đồng hỗ trợ 4 tỉnh miền Trung chịu thiệt hại lũ lụt
Thêm “ông lớn” ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Nhân sự: khúc mắc đã được giải tỏa?

Đại hội bất thường sẽ có nhiều bất ngờ. Đó là tâm lý được các cổ đông chuẩn bị trước. Và, quả không “phụ lòng” họ, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của BIDV diễn ra cuối tuần qua đã thành công dù không ít bất ngờ.

Trước đó, theo thông báo ngày 7/9/2016 về việc lập danh sách đại biểu dự ĐHCĐ bất thường năm 2016, Đại hội này nhằm: Thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ. 400 cổ đông, đại diện cho 24.042 cổ đông tại thời điểm chốt danh sách cổ đông 22/09/2016 (trong đó bao gồm 23.821 cổ đông cá nhân và 221 cổ đông tổ chức) đã dự Đại hội. Số đại biểu này ít hơn đại biểu đã dự ĐHCĐ thường niên năm 2016 (được tổ chức 24/4/2016 với 491 người đại diện cho 3.319.384.510 cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 97,0945% số cổ phần có quyền biểu quyết).

co dong san sang chia se kho khan voi ngan hang
Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của BIDV đã thành công dù không ít bất ngờ

Đại hội đã xem xét và thống nhất thông qua Tờ trình sửa đổi nội dung Điều lệ BIDV và Quy chế tổ chức và hoạt động HĐQT của BIDV. Điểm sửa đổi căn bản nhất được Đại hội thông qua việc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV. Một số nội dung liên quan đến việc điều chỉnh này cũng đã được sửa đổi phù hợp.

Theo kết quả bỏ phiếu tại ĐHCĐ bất thường này ông Phan Đức Tú Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật của BIDV, thay ông Trần Bắc Hà nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã nghỉ hưu từ ngày 1/9/2016. Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu đến hiện tại, ông Trần Anh Tuấn được cử làm Ủy viên Phụ trách HĐQT. Ông Trần Anh Tuấn từng giữ cương vị Tổng giám đốc BIDV trước thời điểm ngân hàng này “lên sàn”.

Tại sao lại thay đổi người đại diện pháp luật?. Ông Phan Đức Tú cho biết: Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Người đại diện pháp luật là hơn 1 người. Nhưng BIDV là ngân hàng nên còn phải tuân thủ Luật các TCTD, trong đó quy định Người đại diện pháp luật chỉ là một trong hai vị trí là Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc.

Trả cổ tức bằng tiền mặt gây khó cho tăng vốn

Mặc dù có những thay đổi quan trọng về nhân sự nhưng BIDV cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh năm 2016 theo đúng lộ trình đề ra. Tính đến 30/09/2016, tổng tài sản của BIDV đạt 956 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11,5% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 887 nghìn tỷ đồng; Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 912 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 14,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt trên 698 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với đầu năm.

Hiện BIDV chiếm đạt 13,6% thị phần tín dụng, tăng 0,4% so với năm trước. Hiệu quả kinh doanh cải thiện so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.623 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 71% kế hoạch năm; trong đó, thu dịch vụ ròng đạt 2.685 tỷ đồng, tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; Tỷ lệ nợ xấu 1,72%. BIDV khẳng định sẽ hoàn thành mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 phê duyệt: tăng trưởng tín dụng bám sát theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước giao khoảng 18%, Huy động vốn tăng trưởng 19%, Lợi nhuận trước thuế đạt 7.900 tỷ đồng...

Kết quả kinh doanh của NH tốt nhưng cổ đông cũng không khỏi băn khoăn về một số vấn đề nổi cộm của các NH hiện nay. Đơn cử, về xử lý nợ xấu. Lãnh đạo BIDV cho biết, NH này bán nợ cho VAMC nhận về hơn 20.500 tỷ đồng trái phiếu. Theo quy định hiện hành BIDV tiếp tục trích mỗi năm là 20% và hiện vẫn đang trích mức này với tổng trích hơn 4.000 tỷ đồng. “Chúng tôi sẽ không xin giảm thời gian trích lập.

Cổ đông hoàn toàn yên tâm về vấn đề này” – lãnh đạo BIDV khẳng định và cho biết thêm: Hiện tỷ lệ LDR là 81,7%, BIDV vẫn đang đáp ứng được yêu cầu NHNN về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) của BIDV hiện sắp chạm sàn 9% theo quy định của NHNN, trong khi đó sắp tới BIDV sẽ áp dụng chuẩn mực Basel II sẽ khiến hệ số này càng giảm (cách tính CAR của Basel II yêu cầu cao hơn). Khi thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt và nộp về ngân sách (vào khoảng 2.700 tỷ đồng) sẽ khiến BIDV rất khó để tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR.

Trước khó khăn trong việc việc thực hiện kế hoạch tăng vốn, cổ đông BIDV đề xuất năm sau nên chia cổ tức thành hai đợt. Đợt 1 tạm ứng tiền mặt và đợt 2 chia một phần bằng cổ phiếu. Nếu ngân hàng khó khăn trong việc tăng vốn thì cổ đông sẽ sẵn sàng góp. Ghi nhận sự chia sẻ của cổ đông, lãnh đạo BIDV cho biết, tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước là trên 95% nên NH sẽ kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến các cổ đông tại ĐHCĐ.

Thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% như cổ đông đã nhất trí tại ĐHCĐ thường niên 2016, BIDV sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt theo như yêu cầu của Bộ Tài chính.

Hôm 21/10/2016, Hội đồng quản trị BIDV đã có thông báo số 2884/TB-BIDV về việc chốt danh sách và chi trả cổ tức năm 2015. Theo đó tỷ lệ chi trả 8,5%/cổ phiếu bằng tiền mặt. Ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu cổ phiếu: 4/11/2016; ngày thực hiện chi trả là 21/11/2016.

Theo kết quả ĐHCĐ thường niên, năm 2016 BIDV dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức là hơn hoặc bằng 7%. Được biết, năm 2014 theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua và chấp thuận của NHNN, ngân hàng này đã hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10,2%/cổ phiếu.

Hà An

Tin đọc nhiều