Cơ hội cho ngành công nghiệp thực phẩm

09:11 | 25/11/2019

Dù còn nhiều thách thức, nhưng thời gian tới là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư FDI và cho các thương vụ M&A trong ngành chế biến thực phẩm Việt

Thời của ngành công nghiệp thực phẩm Việt
Công nghiệp thực phẩm: Đầu tư vào Việt Nam để vươn ra toàn cầu
Công nghiệp thực phẩm: Tham gia chuỗi để nâng giá trị

Việt Nam được xem là vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng nông thủy sản phong phú, có những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn còn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao, còn yếu về khâu vệ sinh an toàn là những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang phải đối mặt.

Nhưng mặt khác, đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các nhà đầu tư được tạo những điều kiện thuận lợi qua hàng loạt chính sách khuyến khích ưu đãi của Nhà nước. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm gồm chế biến, nuôi trồng nông lâm, thủy sản là các ngành kinh doanh đủ điều kiện nhận ưu đãi đầu tư đặc biệt như thuế thu nhập doanh nghiệp; Miễn thuế nhập khẩu đối với tài sản cố định; nguyên liệu và linh kiện không thể sản xuất trong nước và được nhập khẩu phục vụ sản xuất; Miễn tiền thuê đất và thuê mặt nước trong 3-15 năm; Ưu tiên các dự án với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự phát triển quốc gia, bền vững và bảo vệ môi trường…

co hoi cho nganh cong nghiep thuc pham
Cần ưu tiên các dự án với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và giá trị gia tăng cao

Tiến sĩ Frauke Schmitz Bauerdick, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại và Đầu tư Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam (GTAI VIETNAM) cho biết, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Đức đều công nhận rằng nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh và ổn định. Số lượng các đoàn doanh nghiệp đã đến Việt Nam trong năm 2019 để tìm kiếm cơ hội hợp tác và kinh doanh là thực sự rất ấn tượng; Kim ngạch thương mại Đức - Việt tăng trưởng hàng năm với tốc độ lên đến 20%.

Sở dĩ các doanh nghiệp Đức rất quan tâm tìm hiểu thị trường Việt Nam bởi vì “Hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ tốt ở Đức. Người tiêu dùng Đức đi giày sản xuất tại Việt Nam, sử dụng điện thoại thông minh sản xuất tại Việt Nam và ăn tôm, cá hay vải thiều của Việt Nam. Các công ty Đức tham gia vào câu chuyện này bằng cách cung cấp máy móc thiết bị và vật tư cho sản xuất công nghiệp tại Việt Nam. Cùng với những chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng sẽ là động lực làm gia tăng sự hiện diện của DN Đức tại Việt Nam trong thời gian tới”, bà Frauke Schmitz Bauerdick nói.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10/2019, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đã có 582 dự án FDI (2%) với tổng vốn đầu tư 9,77 tỷ USD (3%) với các doanh nghiệp FDI đến từ Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà Lan... Trong đó, Singapore dẫn đầu về FDI trong công nghiệp chế biến thực phẩm với 74 dự án trị giá 3,3 tỷ USD. Hà Lan là quốc gia châu Âu đầu tư mạnh, chiếm vị trí thứ 5 của ngành này ở Việt Nam với 23 dự án có tổng số vốn hơn 677 triệu USD. Các dự án FDI của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm đầu tư chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội... Một số nhà đầu tư tiêu biểu là Coca-cola Indochina Pte. Ltd., Burghley Enterprises Pte., Ltd., Suntory PepsiCo Investment B.V, Sapporo Asia Private Limited, Tập đoàn thực phẩm Maruzen... Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, hoạt động M&A trong ngành công nghiệp thực phẩm cũng có 2 thương vụ nổi bật là Thai Bevegare – Sabeco và Singha Group – Massan Group.

Chia sẻ một trong những lý do để chọn Việt Nam đầu tư dây chuyển sản xuất đồ uống, ông Fabian Daniel Mosquera Vera, Quản lý khu vực ASEAN và Giám đốc điều hành Tập đoàn AJE ASEAN cho rằng: “Cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đã khiến tập đoàn chọn Việt Nam cụ thể là Bình Dương để đầu tư dây chuyền sản xuất”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thách thức về công nghệ, thực hành chuỗi gia tăng giá trị và an toàn thực phẩm trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, doanh nghiệp FDI đã và đang đổ mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Lý giải vì sao ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam lại đang thu hút nhiều doanh nghiệp ngoại quan tâm đầu tư, hợp tác, M&A, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là tại thị trường TP.HCM, các chuyên gia nhận định, ngành thực phẩm & đồ uống, chiếm 15% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm.

Đây cũng là một trong 4 ngành công nghiệp chính được ưu tiên phát triển tại TP.HCM với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 8,22% mỗi năm đối với thực phẩm và 5% đối với đồ uống trong năm 2018. TP.HCM có hệ thống phân phối lớn nhất trong cả nước với 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, hơn 1.100 cửa hàng tiện lợi với độ tăng trưởng ngày càng cao.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều