Cơ hội mới cho hàng thủ công mỹ nghệ

14:26 | 03/04/2012

Tiếp tục chương trình "Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc" đang diễn ra trong cả nước, UBND TP. Hội An (Quảng Nam) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (Bộ VH - DL và TT Hàn Quốc) và Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN- HABITAT) tổ chức cuộc Tọa đàm "Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) ở thời hội nhập" tại Hội An cuối tháng 3/2012.

Kinh nghiệm của nước bạn

"Từ địa phương đến toàn cầu" là chủ đề xuyên suốt cuộc Tọa đàm trên, với mục tiêu tạo ra giá trị tăng cao cho ngành TCMN của cả hai quốc gia. Các chuyên gia trong ngành TCMN Hàn Quốc đã chia sẻ các xu hướng hiện đại và nhu cầu của thị trường, giới thiệu thực trạng phát triển sản phẩm văn hóa và ngành TCMN ở Hàn Quốc. Đây là hoạt động nhằm giúp tăng thêm cơ hội cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và năng lực cạnh tranh cho ngành TCMN Việt Nam.


Một số hàng thủ công mỹ nghệ ở Hội An. (Ảnh: St)

Việt Nam và Hàn Quốc vốn có những tương đồng về văn hóa, lịch sử, nhất là về định hướng phát triển sản phẩm TCMN trên nền tảng văn hóa. Ngành TCMN của Hội An có vai trò vừa tạo bản sắc văn hóa đặc trưng của di sản thế giới Hội An, vừa góp phần vào tiến trình xây dựng đô thị sinh thái và là nhân tố quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố một cách bền vững", bà Ju Hyun Lee - Chuyên gia phát triển đô thị của UN - HABITAT đã khẳng định. Theo bà Lee Eun Hee - Giám đốc Công ty Gallery- ON (Hàn Quốc), thì sản phẩm văn hóa thực chất là những sản phẩm thương mại nhưng mang trong mình những yếu tố về tính cách, về cách nghĩ trong một xã hội. Sự gắn kết yếu tố văn hóa trong các sản phẩm TCMN tại Hàn Quốc (Korean Style- K-STYLE) bao gồm cả những đặc trưng trong ẩm thực, trang phục, nhà cửa, âm nhạc, nguyên liệu…

Hiện nay loại hình sản phẩm TCMN dựa trên yếu tố truyền thống rất được chú trọng tại Hàn Quốc, sự kết hợp chất liệu truyền thống với thiết kế hiện đại đã tạo ra được những sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và du khách. Ngoài ra tại Hàn Quốc cũng xây dựng mô hình các làng nghề TCMN địa phương (local craft village), dựa trên các yếu tố lịch sử, văn hóa địa phương để tái hiện các hoạt động làng nghề truyền thống, được xem là các điểm tham quan du lịch rất hiệu quả.

Thảo luận về tầm nhìn và chiến lược phát triển ngành TCMN đến năm 2030, các chuyên gia Hàn Quốc cũng chia sẻ: Trước hết ngành TCMN phải nâng cao vị thế của mình bằng cách cải thiện hiệu quả giá trị sản phẩm và sản xuất. Sau đó sẽ là việc đẩy mạnh thị trường tiêu thụ bằng cách tạo ra những nhu cầu của người tiêu dùng và du khách. Muốn như vậy, ngành TCMN phải xây dựng các cụm phát triển sản phẩm, tạo ra sức hút du khách và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của ngành và tiếp theo là việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của sản phẩm.

Liên kết để phát triển

Những vấn đề các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra tại cuộc tọa đàm, thực tế đang là những yếu điểm của ngành TCMN Việt nam. Như ông Đỗ Đình Phô - Phó trưởng phòng Kinh tế Hội An đã thừa nhận: Sự thiếu đa dạng về chủng loại, mẫu mã, hạn chế về chất lượng của sản phẩm TCMN là một thực tế ở Hội An, mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cấp chính quyền địa phương, các nghệ nhân và các làng nghề.

Điều này được ông Byung Soo Eun - Giám đốc Công ty VIUM, Cố vấn mỹ thuật của Thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đưa ra trong nhận xét khá thú vị: "Đêm đầu tiên đến Hội An chúng tôi dạo một vòng quanh phố cổ, ghé thăm các gian hàng đèn lồng, phải công nhận rằng phố đèn lồng Hội An rất lung linh, rất đẹp và ấn tượng. Nhưng sáng hôm sau quay lại các gian hàng, chúng tôi lại nhận ra rằng một số sản phẩm chất lượng chưa tốt, chưa đồng đều, dường như có vấn đề ngay từ khâu xử lý nguyên liệu và quy trình kỹ thuật".

Từ thực trạng ngành TCMN của Hàn Quốc và Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng, các chuyên gia Hàn Quốc đã đề xuất phương án liên kết, hợp tác để hai bên cùng phát triển. Về phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ tư vấn để các nghệ nhân Hội An cải thiện khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, nâng tầm về năng lực tiếp thị, giới thiệu các đối tác để cùng phát triển thị trường và thị phần toàn cầu.

Giáo sư Kim Sung Yong - Giảng viên Đại học Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc tâm đắc: "Chúng tôi khi trở về Hàn Quốc sẽ làm cầu nối để Hiệp hội hàng TCMN Hội An có thể kết nối với các Hiệp hội ngành TCMN của Hàn Quốc, thông qua các sinh viên khoa Thiết kế mỹ thuật của Trường để có thể trao đổi về thiết kế mẫu mã, giới thiệu cách thức để có thể tạo ra những sản phẩm văn hóa TCMN thực sự có giá trị gia tăng cao. Đồng thời thông qua sự kết hợp giữa ngành TCMN truyền thống của Việt Nam với các ngành công nghệ cao của Hàn Quốc, nhằm mở rộng thị phần một cách thành công cho các sản phẩm liên doanh".

Lê Xuyên

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều