Cơ hội sàng lọc nhân sự?!

10:44 | 17/08/2012

Hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn thực hiện tái cấu trúc. Đây là cơ hội để các ngân hàng sàng lọc, sắp xếp lại nhân lực.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành Ngân hàng trong khi nguồn nhân lực phát triển không tương xứng đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của hệ thống.

Tài chính - ngân hàng được xếp vào loại “hot” so với các ngành khác trong nhiều năm qua, và luôn thu hút lượng lớn nhân lực. Tuy nhiên, nhìn từ vấn đề đào tạo, nhiều giảng viên các trường kinh tế, ngân hàng thừa nhận, lượng sinh viên ngành này quá đông, trong khi giảng viên lại không tăng, hoặc tăng ít khiến công việc luôn trong tình trạng bị quá tải, nên việc không đảm bảo chất lượng bài giảng là tất yếu. Bên cạnh đó, phương pháp, nội dung giảng dạy, cũng không theo kịp với thực tiễn đang diễn ra. Vì thế không tránh khỏi tình trạng chung là năng lực làm việc của sinh viên mới ra trường còn hạn chế. Còn về nhân tố tạo nên sự khác biệt giữa các ngân hàng chính là cán bộ cấp cao thì tại nước ta chưa có trường đào tạo riêng cán bộ cao cấp cho các ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng phức tạp nhưng ngành Ngân hàng rất thiếu nhân sự được đào tạo một cách có hệ thống và có kinh nghiệm. Sự biến động không ngừng của nền kinh tế, càng đòi hỏi cần phải có những cán bộ vừa có tài, vừa có đức để đảm nhiệm những vị trí quan trọng.


Ảnh: MH

Hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn thực hiện tái cấu trúc. Đây là cơ hội để các ngân hàng sàng lọc, sắp xếp lại nhân lực. Con người - vốn là trung tâm của mọi vấn đề. Thực tế, vấn đề cơ cấu lại nhân sự được các ngân hàng tiến hành theo cả hai cách: “ồn ào” và âm thầm. Cán bộ của một NHTMCP vừa có CEO mới cho biết, việc thay đổi lãnh đạo cao cấp của họ chỉ là những gì người ngoài nhìn thấy. Đề án sắp xếp, cơ cấu lại nhân sự đã, đang được tiến hành trong toàn hệ thống của ngân hàng này. “Việc này bọn em không được công bố ra ngoài chị ạ” – cô nói đầy vẻ lo lắng.

Việc sắp xếp nhân lực đúng người, đúng việc để có thể phát huy năng lực, sở trường và tính chuyên nghiệp trong công việc rất quan trọng. PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank cho rằng: Các ngân hàng sau khi sắp xếp lại, trong quá trình đào tạo và đào tạo lại nhân sự nên đi đôi với việc “kèm cặp” để người cán bộ nhanh chóng làm quen với vị trí mới một cách chủ động sẽ giúp giảm rủi ro tác nghiệp. Và sẽ là thiếu sót nếu không đề cao vấn đề thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ cấp cao của ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thời gian tới các trường đào tạo của Ngành như Học viện Ngân hàng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh… cần tăng cường mở các lớp đào tạo lãnh đạo ngân hàng. Mặt khác, bản thân các ngân hàng cũng cần tự tổ chức các khóa đào tạo cho các thành viên trong ban điều hành của mình. Những khóa học như vậy sẽ hiệu quả hơn nếu có chuyên viên nước ngoài giảng dạy. Qua đó cán bộ cao cấp của ngân hàng có thể nâng cao trình độ hơn từ kinh nghiệm thế giới cũng như bắt kịp thông lệ quốc tế trong điều hành hoạt động của ngân hàng, và phần nào lượng hóa được những rủi ro từ bên ngoài. Đây là vấn đề cần được quan tâm đúng mức, bởi trong tương lai các ngân hàng Việt Nam sẽ phải áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro không chỉ Basell II, mà tiến tới là Basell III và nhiều tiêu chuẩn an toàn khác theo chuẩn quốc tế.

Đồng tình với quan điểm mỗi ngân hàng có chiến lược nhân sự riêng, nhưng theo TS. Lê Thẩm Dương - trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, dù thế nào đi chăng nữa, các ngân hàng vẫn phải xử lý rất tốt ở các khâu: tuyển dụng; nghệ thuật dùng và giữ người; và một yếu tố cần thiết là phải chấp nhận sa thải những cán bộ không đủ năng lực làm việc. Nếu giải quyết tốt những vấn đề trên, bài toán về nhân sự có thể được coi đã có lời giải. Nhưng để hiệu quả hơn, TS. Dương cho rằng cần tái cấu trúc toàn diện ngay từ khâu đào tạo tại các trường đại học. Cần phân loại trường như phân loại các ngân hàng, rồi tái cấu trúc một cách đồng bộ chương trình đào tạo, nhân sự, phương pháp giảng dạy… hay nói cách khác, cần một cuộc cách mạng về đào tạo nhân lực ngành Ngân hàng. “Nếu không ngành Ngân hàng sẽ vẫn tiếp tục trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực”, TS. Lê Thẩm Dương nói.

Huyền Thanh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều