Cổ phần hóa nông trường quốc doanh: Khi nhóm lợi ích chi phối

10:53 | 03/04/2012

Khoảng 2.500 ha đất đã được chính quyền địa phương tại Nghệ An bàn giao cho Công ty cổ phần sữa TH. Từ cơ sở đất đai này, 24 nghìn con bò sữa đang được nuôi dưỡng để trở thành mô hình chăn nuôi lớn nhất ở Đông Nam Á.5

Quá trình phát triển của TH là sự tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp, từ những thửa đất đã được nông trường quốc doanh bàn giao cho người nông dân sản xuất quy mô nhỏ thuê lại. Sự thay đổi đó bắt đầu từ chính hạn chế trong hiệu quả hoạt động của nông trường quốc doanh. Nhưng, ngay trong quá trình đổi mới DNNN lĩnh vực nông nghiệp để đi lên ấy, vẫn còn đó nhiều khúc mắc: thua lỗ triền miên, cổ phần hóa bị nhóm lợi ích chi phối, và quyền lợi người nông dân bị xâm hại.

Thua lỗ triền miên

"Đây là một nông trường điển hình của miền Nam sau giải phóng với lao động lên đến hàng nghìn người. Nhưng đến nay, sau khi liên tục thua lỗ và chỉ còn 25 lao động mới tạm đến điểm hòa vốn", ông Nguyễn Đức Nhật - trưởng nhóm nghiên cứu Vietsurvey giới thiệu một mô hình DNNN lĩnh vực nông nghiệp tại Hội thảo quốc gia về doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam, do Tổ chức Oxfam thực hiện mới đây. Cùng với hiệu quả hoạt động giảm sút, vai trò "bà đỡ" cho tất cả các dịch vụ y tế, giáo dục, đường xá… của các nông trường quốc doanh trước đây cũng đã không còn.

Trường hợp được ông Nhật dẫn ra có tính đại diện cho khoảng 257 DNNN trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến năm 2010. Dù chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng số doanh nghiệp cùng lĩnh vực, diện tích đất do họ quản lý vào khoảng 503 nghìn ha, tương đương 70% diện tích đất canh tác của đồng bằng sông Hồng. Riêng các nông trường quốc doanh tự tổ chức sản xuất khoảng 280 nghìn ha, còn lại là giao khoán, liên kết… "Theo nghiên cứu của chúng tôi, 1 ha đất nông nghiệp nếu để cho hộ dân sản xuất thì thu lời gấp 3 lần so với khi để ở DNNN", ông Kim Văn Chinh (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn) cho biết.

Quan điểm trên cũng được chuyện gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ. Theo vị này, đóng góp của nông trường quốc doanh vào giá trị ngành nông nghiệp chỉ khoảng 2% nhưng lại sử dụng diện tích đất rất lớn. Vì vậy, khu vực này đang làm mất đi cơ hội tiếp cận đất đai và sử dụng nguồn lực này có hiệu quả hơn của người nông dân. "Phần diện tích dành cho nông trường quốc doanh đã trở thành rất lớn khi bị sử dụng kém hiệu quả và tước đoạt đi cơ hội sử dụng của hàng triệu nông dân thiếu đất", bà Lan nhìn nhận.


Chỉ có ngươì nông dân là gắn bó với
đồng ruộng hơn cả. (Ảnh: St)

Cổ phần hóa chậm trễ

Quá trình cổ phần hóa các nông trường quốc doanh cũng song hành cùng tiến trình đổi mới DNNN, đã triển khai được hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2005-2006, khi mô hình tập đoàn, tổng công ty ra đời đã làm cho quá trình cổ phần hóa đang được thúc đẩy bị chậm lại. Bởi vì, hầu hết các DNNN đều thích "chui" vào tập đoàn, tổng công ty, các công ty mẹ-con hơn là cổ phần hóa, bà Lan cho hay. Điển hình cho xu hướng kể trên là trường hợp của Tập đoàn Cao su, sau khi thâu tóm hàng trăm công ty cùng ngành đã trở thành doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực này, quản lý diện tích đất đai rất lớn.

Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa các nông trường quốc doanh vừa qua, thực tế là đội ngũ công nhân hầu như bị bỏ qua, không được tham gia vào quá trình đổi mới các doanh nghiệp này. "Công nhân có được mua cổ phần nhưng không thể mua được. Chính quyền địa phương cho biết, không có sổ đỏ thì khó vay ngân hàng, không có tín dụng thì rất khó để người công nhân mua được cổ phần tại doanh nghiệp mình đang cống hiến", ông Nhật cho biết.

Nhìn vào quá trình cải cách của Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không giải quyết khúc mắc tại các nông trường quốc doanh thì sẽ trở thành rào cản lớn cho nông nghiệp Việt Nam để đi theo hướng nông nghiệp phát triển bền vững. Sau 25 năm đổi mới nhưng "đi chậm" đối với cải cách DNNN, đến lúc này, đã đủ những minh chứng để thấy DNNN gây nên nhiều vấn đề cho nền kinh tế. Và khi đã tuyên bố tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng mà một trong những mũi nhọn quan trọng là cải cách DNNN, đã đến lúc Việt Nam phải "tăng tốc" đổi mới DNNN.

Nhóm lợi ích chi phối

Nhưng, "trong quá trình cải cách DNNN này, có người được lợi, có người không", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận thêm. Từ cơ sở nghiên cứu thực địa, ông Nhật cũng đồng tình rằng, đã có nhiều sự tích tụ đất đai không chính thức và không chính đáng. "Chúng tôi biết có những người không là nông dân nhưng sở hữu hàng trăm ha cao su. Tầng lớp đại địa chủ mới như vậy xuất hiện ngay trong các nhóm lợi ích và những vấn đề ấy phải được xử lý trong quá trình cổ phần hóa", ông nói.

Bà Bùi Thị Nga (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cũng chia sẻ: "Những nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra, khi bán cổ phần cho người nông dân, họ không có tiền mua và cổ phiếu ấy lại quay vào mấy ông giám đốc và người có tiền trong công ty. Cho nên, đây là việc chuyển quyền sở hữu Nhà nước tại nông trường quốc doanh thành sở hữu của một nhóm rất ít lãnh đạo doanh nghiệp". Sự thất bại - tạm gọi như vậy với cổ phần hóa nông trường quốc doanh - nằm ở ý nghĩa phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn đã không đạt được. Cho nên, đi tìm mô hình hiệu quả cho từng diện tích đất nông nghiệp cũng là bài toán đặt ra hiện nay.

Ông Nhật nêu một kiểm nghiệm thực tế khác. Một nông trường quốc doanh thí điểm chia 30 ha đất cho một công ty tư nhân để đưa máy móc thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng giống mới, cách làm đất, chăm sóc mới… và cũng chia diện tích như thế cho 10 hộ dân. Kết quả là các hộ dân vẫn trồng trọt hiệu quả hơn. Chính công ty nọ thừa nhận rằng, người công nhân không làm được như chủ hộ và chỉ làm đối phó với lãnh đạo. "Mô hình doanh nghiệp nào không quan trọng, cái quan trọng là người dân phải có đất mà chính họ làm ăn hiệu quả nhất", ông Nhật nói.

Tường Lam

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều