Cổ phiếu Hapro đáng giá bao nhiêu?

16:00 | 26/03/2018

Điều quan tâm của nhà đầu tư là tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu và cổ tức trong tương lai.

Suy tính cơ hội đầu tư vào Hapro
Hapro tổ chức Hội nghị Đối ngoại thường niên năm 2018
Hapro được định giá hơn 4.000 tỷ đồng

Tin Hapro sẽ đấu giá lần đầu ra công chúng đang thu hút sự “quan tâm” của công luận và săn đón của giới đầu tư. Được quan tâm và săn đón bởi một phần đây là một DN quản lý nhiều siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên những mảnh đất vàng giữa Thủ đô và nhiều tỉnh khác, có thị trường xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia.

co phieu hapro dang gia bao nhieu
Gian hàng của Hapro tại hội chợ

Nhà nước sẽ bán hết 100% vốn tại DN này, như vậy sau IPO, Hapro sẽ là DN tư nhân 100%. Đây là một yếu tố quan trọng tác động tới lần đấu giá này bởi nhà đầu tư sẽ “hồ hởi hơn” trái với tâm lý phần nào e ngại phần nào thiếu hứng khởi với Hapro hơn là đối với một DN mà Nhà nước vẫn sẽ còn cổ phần ở đó.

Nhưng nhà đầu tư chiến lược đã được chọn và cũng là nhà đầu tư duy nhất muốn đầu tư chiến lược vào Hapro. Vậy Hapro có tiềm năng nào, cổ phiếu Hapro đáng giá bao nhiêu, đầu tư vào cổ phiếu Hapro có tương lai không khi mà đã có nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy lộ diện chính thức và họ có xuất hiện trong lần IPO hay không?

Hapro có gì ngoài đất vàng và siêu thị?

Đang có nhiều những phân tích, dự đoán về sự kiện IPO và tương lai cổ phiếu của Hapro. Rõ ràng chỉ nhìn vào bề nổi, với những địa điểm kinh doanh đang quản lý và hệ thống bán buôn, bán lẻ và sản xuất 1 số mặt hàng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, Hapro đã có sức hấp dẫn nhất định.

Hapro hiện đang vận hành các siêu thị, cửa hàng tiện tích Hapromart, hệ thống thực phẩm an toàn HaproFood, hệ thống cửa hàng chuyên doanh các loại mang thương hiệu con, thương hiệu nhánh khác nhau…

Nhưng không chỉ có đất vàng, các trung tâm thương mại và hệ thống bán lẻ, Hapro có 10 công ty con, 20 công ty thành viên liên kết và có đầu tư góp vốn tại 11 công ty khác hoạt động đa dạng từ bán buôn, bán lẻ, cửa hàng miễn thuế... đến sản xuất với các sản phẩm đã có thương hiệu lớn như Vang Thăng Long, gốm Chu Đậu...

“Tôi có niềm tin vào sự thành công của đợt IPO này”, ông Vũ Thanh Sơn – Tổng giám đốc Hapro kỳ vọng. Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh của Hapro có tới 66 mã ngành. Hoạt động chính của Hapro là kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại.

Bên cạnh bề nổi là chuỗi cửa hàng bán lẻ và siêu thị cùng một số địa điểm kinh doanh thương mại, Hapro là một thương hiệu uy tín về xuất nhập khẩu mang đến nguồn doanh thu chính của Hapro. Nhiều năm liền, Hapro đạt vị trí là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về xuất khẩu hàng một số mặt hàng nông sản như hạt điều, hạt tiêu. Thị trường xuất khẩu của Tổng công ty được duy trì và mở rộng tới trên 70 nước và khu vực trên thế giới.

Phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tiến hành vào 8h30 ngày 30/3/2018 tại Sở GDCK Hà Nội.

Đầu tư vào Hapro được gì?

Được định giá hơn 4.000 tỷ đồng, Hapro sẽ chào bán 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ của công ty với giá khởi điểm là 12.800 đồng/cổ phiếu. Có thể nhà đầu tư sẽ nhìn thấy những lợi thế Hapro đang có và triển vọng ở hơn 70 thị trường xuất khẩu ở nước ngoài thì có thể nhà đầu tư sẽ trả giá cao hơn. Đây cũng là một hy vọng.

UBND TP. Hà Nội hiện đã quyết định để Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) trở thành cổ đông chiến lược của Hapro và tham gia mua 65% cổ phần Hapro.

Vinamco là đơn vị có năng lực tài chính, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của Hapro, có kinh nghiệm với những lĩnh vực mà Hapro đang hoạt động. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thu hút nhà đầu tư khác.

Hơn nữa, thời điểm Hapro IPO này cũng là thời điểm tốt, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng tốt, tiêu dùng tăng cao, thị trường đang khởi sắc, niềm tin thị trường đang lên, ông Vũ Thanh Sơn tin tưởng.

Một hy vọng khác là thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động, và với 60% dân số là người tiêu dùng trẻ, mức thu nhập đang tăng lên, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo sự thị trường thương mại sẽ sôi động… Những yếu tố này cho thấy triển vọng phát triển rất lớn của ngành hàng mà Hapro đang kinh doanh.

Theo Phương án cổ phần hóa được Thủ tướng phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro sẽ tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở những thế mạnh hiện tại và sẽ hướng đến mô hình DN gọn nhẹ tối đa nhưng linh hoạt và hiện đại, chuyên môn hóa cao.

Mục tiêu của Hapro là đến năm 2020, xuất khẩu sẽ chiếm 80% tổng doanh thu; Dẫn đầu cả nước về xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê và hàng thủ công mỹ nghệ; Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực.

Nhìn vào tình hình tài chính với các con số doanh thu lợi nhuận của Hapro những năm gần đây thì thấy “có thể không mang lại lợi nhuận cao” nhưng có tương lai ổn định lâu dài. Với chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị và đất vàng Hapro đang quản lý lại có nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính như Vinamco, cùng sự đầu tư của các cổ đông tương lai, Hapro sẽ tiếp tục được đầu tư xứng đáng, việc quản trị sẽ được nâng tầm, DN được tái cơ cấu lại và như thế, có thể dự đoán được tương lai các hoạt động thương mại và đầu tư sẽ bài bản hơn, sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Năm 2017, Hapro dù tập trung đẩy mạnh triển khai các bước trong quy trình cổ phần hóa và vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được kết quả tốt: Tổng doanh thu: hơn 4.000 tỷ đồng; Doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 70% tổng doanh thu với kim ngạch đạt 90 triệu USD.

Linh Linh

Tin đọc nhiều