Công nghệ lõi với kiến trúc ngân hàng kết hợp: Bước đi nhỏ để thành công lớn

14:26 | 13/01/2023

Các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi số và đang ở cấp độ số 2 (số hoá quy trình nghiệp vụ). Để tiến tới cấp độ số 3 tức là chuyển đổi số toàn diện thì ngân hàng cần chuyển đổi công nghệ lõi. Và để thành công, ngân hàng cần triển khai kiến trúc ngân hàng kết hợp với hướng tiếp cận theo từng bước nhỏ.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt trên tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm từ 12,1% trong năm 2021 xuống mức 6,9% trong năm 2022.

Còn theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), so với cùng kỳ năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet, điện thoại di động, QR Code và ví điện tử cũng đều tăng trên cả hai tiêu chí trên.

cong nghe loi voi kien truc ngan hang ket hop buoc di nho de thanh cong lon
Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam

Kết quả tích cực trên là sự hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số của ngân hàng mang lại. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều đang chuyển đổi số ở cấp độ 2, tức là số hóa quy trình nghiệp vụ hoặc triển khai hành trình khách hàng số, còn chuyển đổi số toàn diện - cấp độ 3, thì chưa ngân hàng nào đạt được. Chỉ có một số ngân hàng như Cake, TNEX và Timo là các ngân hàng số toàn diện, được thành lập độc lập và hoàn toàn mới.

Ngân hàng số Cake kết hợp với Mambu thay công nghệ lõi chỉ trong 74 ngày, và trong thời gian ngắn, Cake đã có thêm 3 triệu khách hàng mới – một con số mơ ước của nhiều ngân hàng.

Để làm được như Cake thì cần phải thay đổi công nghệ lõi. Vậy công nghệ lõi là gì?

Thay đổi công nghệ lõi với kiến trúc ngân hàng kết hợp

Các ngân hàng truyền thống được xây dựng trên công nghệ lõi với kiến trúc nguyên khối (monolith), không linh hoạt, chậm và khó để tăng quy mô, được thiết kế cho một nhu cầu, ràng buộc với một nhà cung cấp.

Thế hệ lõi tiếp theo được xây dựng trên kiến trúc mô-đun (modular), đã có thể mở rộng hơn so với monolith, tuy nhiên, vẫn chưa có tính linh hoạt và cởi mở. Cấu trúc mô-đun giống như một khối ru-bic, có thể kết hợp các thành phần độc lập thông qua các API mở nhưng lại cho một nhu cầu đã được thiết lập trước, khó có thể biến đổi các thành phần với nhau cho các nhu cầu mới, và cũng ràng buộc với một nhà cung cấp.

Và phải đến thế hệ công nghệ lõi thứ tư với kiến trúc ngân hàng kết hợp (Composable banking), như cách Mambu thay đổi lõi công nghệ cho Cake, thì mới đảm bảo được tốc độ, và sự linh hoạt. Khác với khối ru-bic của cấu trúc mô-đun, công nghệ lõi thứ tư với kiến trúc ngân hàng kết hợp giống như cấu trúc Lego - nơi các thành phần có thể dễ dàng hoán đổi cho các mục đích khác nhau, đưa ra các giải pháp phù hợp để thiết kế các sản phẩm, dịch vụ tạo ra sự khác biệt trong trải nghiệm của khách hàng, và giải quyết nhu cầu thị trường cụ thể của từng ngân hàng.

Một số nguyên tắc để chuyển đổi công nghệ lõi thành công

Để có thể áp dụng được thành công công nghệ lõi mới nhất, ngân hàng có thể cân nhắc một số nguyên tắc như việc sở hữu một kiến trúc tiên tiến, nhằm kiến tạo giá trị khác biệt cho khách hàng. Như Mambu cung cấp kiến trúc kết hợp (Composable banking) - cách tiếp cận giúp ngân hàng có thể tạo nên bất kỳ kiểu ngân hàng nào, hay bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào mong muốn.

cong nghe loi voi kien truc ngan hang ket hop buoc di nho de thanh cong lon

Ngân hàng cũng nên tận dụng những gì đã có sẵn, mà không cần cố xây dựng mọi thứ. Nắm bắt triết lý về sự kết hợp các cấu phần, làm việc với những nguồn công nghệ tốt nhất để mang lại lợi ích chi phí thấp hơn việc lập trình từ đầu.

Thay đổi lõi là một việc lớn nhưng ngân hàng có thể bắt đầu từ việc nhỏ, tiếp cận từng bước phát triển, giúp quản lý rủi ro, giảm chi phí trả trước. Ngân hàng có thể thực hiện bước đầu tiên bằng cách thiết kế ngân hàng số trên công nghệ phần mềm lõi mới độc lập với các hệ thống cũ. Và sau đó, di chuyển dần từ cái cũ sang cái mới.

Đồng thời, ngân hàng có thể tìm kiếm sự trợ giúp để chuyển đổi, khi các nhà tích hợp hệ thống và nhóm quản lý dự án (PMO) nội bộ thường không có đủ năng lực hoặc chuyên môn thích hợp để triển khai các dự án ngân hàng phức tạp. Hợp tác với các đối tác và chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm đã được kiểm chứng sẽ có thể giải quyết lỗ hổng về kiến thức và nhân lực cho các hoạt động không thuộc hoạt động kinh doanh thông thường (non-BAU).

Việc, nền tảng ngân hàng đám mây Mambu hợp tác thay đổi lõi công nghệ cho ngân hàng số Cake, giúp Cake nhanh chóng sáng tạo nên những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng với công nghệ lõi thế hệ cũ không làm được. Đó là, chia nhỏ gói tiết kiệm, gói thanh toán để khách hàng vừa tiện chi tiêu, vừa có lãi cho số tiền còn lại hay các dịch vụ gắn kết khách hàng, tư vấn quản lý tài chính, trải nghiệm tại các cơ sở dịch vụ có kết hợp ưu đãi với Cake.

Đó là những nguyên tắc các ngân hàng có thể tham khảo để tối đa hóa thành công trong quá trình chuyển đổi lõi, nhất là khi chuyển đổi số đã là yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng hiện nay. Và ngay cả khi đạt được chuyển đổi số toàn diện, thì quá trình này vẫn chưa dừng lại vì chuyển đổi số là hành trình không có điểm dừng, do nhu cầu luôn đổi mới, sáng tạo và đáp ứng nhanh với các thay đổi luôn được tạo ra bởi cả thách thức lẫn cơ hội phát sinh.

Phạm Quang Minh – Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam

Tin đọc nhiều