Công nghệ thông tin tạo ra lợi thế cạnh tranh

09:45 | 10/04/2019

Nhân lực CNTT chính là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh, để doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường. Ở khía cạnh khác, đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp Việt Nam bước ra sân chơi toàn cầu.

Đẩy mạnh kinh doanh điện tử và ứng dụng
Để Việt Nam mạnh lên bằng công nghệ thông tin
Công nghệ thông tin: Điểm tựa đột phá trong cải cách hành chính

Đã đến lúc doanh nghiệp và các trường đại học đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cần phối hợp chặt chẽ với nhau bởi vì “Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là lực lượng lao động, nên doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn lực tài nguyên này”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khẳng định.

cong nghe thong tin tao ra loi the canh tranh
Kỹ sư CNTT Việt Nam được ưu ái tại thị trường Nhật Bản

Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để đạt được khát vọng này phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Trong cuộc cạnh tranh này, quốc gia nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh, kịp thời nhu cầu về thay đổi công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của mình thì sẽ chiến thắng. Nhân lực chính là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực, đổi mới đào tạo để đáp ứng nhu cầu thay đổi của thời đại, ông Hùng nhấn mạnh.

Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, số lượng việc làm ngành phần mềm và dịch vụ CNTT cả nước hàng năm tăng khoảng 30 nghìn lao động. Dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng là 1 triệu nhân lực CNTT. Trong khi, tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng có đào tạo CNTT ở nước ta là khoảng 37%, mỗi năm cung cấp khoảng 50 nghìn sinh viên chuyên ngành này.

Dù nhu cầu nguồn nhân lực lớn như vậy nhưng các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước được cho là chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hiện chỉ có khoảng 27% lao động CNTT là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại (khoảng 72%) cần phải được đào tạo bổ sung sau khi ra trường.

Nhiều chuyên gia cũng dẫn ra những thách thức mà ngành CNTT của Việt Nam đang phải đối diện như tốc độ phát triển công nghệ mới quá nhanh nên các kỹ năng cần thiết của người lao động cũng phải thay đổi kịp thời để đáp ứng. Bởi vậy, các cơ sở đào tạo cần cập nhật, cải tiến thường xuyên theo nhu cầu “chất lượng cao” của nguồn nhân lực CNTT; cần đổi mới các nội dung dạy và học, dựa trên năng lực, phát triển các kỹ năng mới. Bên cạnh đó, phương pháp dạy - học cũng phải chú trọng tới thực hành là chính và tiếp cận với những đòi hỏi mới của thị trường. Tất cả cần có sự phối hợp chặt chẽ từ cả 3 phía: Trường đại học - doanh nghiệp và Nhà nước, một chuyên gia đề xuất.

Thực tế đã có nhiều trường đại học và doanh nghiệp ký kết, hợp tác nhưng hiệu quả chưa cao. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trường học - doanh nghiệp và Nhà nước phải thực sự đồng hành cùng nhau, không ai đặt cao hơn ai vì sự phát triển chung của đất nước.

Các trường phải tiếp cận thị trường với tinh thần phục vụ, trong đó phải lưu ý đến tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm; tạo điều kiện để sinh viên được tham gia vào hoạt động của các doanh nghiệp… Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận.

Về phía doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Samsung Việt Nam chia sẻ, hiện công ty đang hợp tác với nhiều trường đại học của Việt Nam, cung cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên ngành CNTT. Với một mạng lưới gồm 8 công ty thành viên tại các tỉnh, thành phố và 1 trung tâm nghiên cứu phát triển tại Hà Nội, Samsung là một nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất để sinh viên có thể thực tập, trải nghiệm công nghệ mới.

Mặt khác, nhân lực CNTT chính là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh, để doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường. Ở khía cạnh khác, đây được xem là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp Việt Nam bước ra sân chơi toàn cầu. Vì vậy, nhân lực ngành CNTT phải liên tục cập nhật xu hướng mới đi liền với đổi mới sáng tạo không ngừng, không chỉ giới hạn trong từng sản phẩm, dịch vụ mà còn ở phương thức kinh doanh mới, mô hình quản trị mới.

Bài và ảnh Hữu An

Tin đọc nhiều