Công nghiệp phụ trợ đang ở đâu?

10:34 | 14/05/2012

4 lĩnh vực ưu tiên được vay vốn với lãi suất tối đa 15% gồm: xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, DNNVV. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thực trạng hiện nay của công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực này khó có thể đáp ứng được các điều kiện của các TCTD để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Phát triển èo uột

Công nghiệp phụ trợ có một vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Thiếu công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng khó có thể thu hút được đầu tư nước ngoài trong tương lai khi mà nhân công giá rẻ không còn là lợi thế. Đây cũng là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Quan trọng là vậy và cho dù Chính phủ đã phê duyệt "Quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010, tầm nhìn 2020" song đến nay, công nghiệp phụ trợ vẫn rất èo uột. Đơn cử như dệt may, dù mang về nhiều ngoại tệ nhất cho đất nước, song đến nay ngành sản xuất này vẫn chủ yếu là gia công do đến 70% nguyên phụ liệu dệt may đều phải nhập khẩu. Thậm chí chợ nguyên phụ liệu dệt may 10 năm trước vạch ra nay vẫn chưa có mặt bằng.

Dệt may đã vậy, với những ngành sản xuất đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao lại càng thê thảm hơn. Trong kế hoạch chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh những năm qua nổi lên một chính sách xây dựng một trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu để hỗ trợ cho công nghiệp thành hố. Trong đó ưu tiên các sản phẩm phụ trợ cho nhu cầu sản xuất lớn của Intel, Nidec… tại khu công nghệ cao. Nhưng đến nay DN sản xuất sản phẩm phụ trợ cho lĩnh vực công nghệ cao vẫn vắng bóng trên thị trường.

Thiếu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt với những ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao là nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa trong những sản phẩm công nghiệp này rất thấp. Ông Yoshida Sakae - Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đối với các nguyên liệu và phụ tùng công nghiệp chỉ đạt có 28,7%. Trong khi đó con số này tại các nước như Trung Quốc là 59,7%, Thái Lan 53%... Thậm chí, theo các chuyên gia, con số của Jetro là tính bình quân, chứ trên thực tế ngành công nghiệp ô tô sau hơn 20 năm phát triển, đến nay chưa có một hãng xe nào đầu tư vào Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa trên 10%. Khi tỷ lệ nội địa hóa thấp đồng nghĩa với việc nhà sản xuất nhập khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài, nhất là chính sách kiềm chế nhập siêu của Việt Nam sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao.

Hai lần ưu tiên vẫn khó vay vốn

Theo bà Phó Nam Phượng - Giám đốc trung tâm XTTM và đầu tư TP. Hồ Chí Minh, trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp thành phố, công nghiệp phụ trợ được đặt vào một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Trong đó, hỗ trợ về vốn được đặt lên hàng đầu với phát triển công nghiệp phụ trợ, tiếp đến mới là mặt bằng sản xuất và công nghệ trang thiết bị. TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng và hướng các DN trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tham gia các chương trình bảo lãnh tín dụng với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, bà Phượng cũng nhìn nhận, hiện các DN công nghiệp phụ trợ hiện gia công chiếm tỷ trọng lớn; trong khi năng lực dự báo thị trường yếu, tính ứng dụng trong cải tiến mẫu mã còn thấp. Từ đó không thu hút được nguồn đầu tư vào sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Bản thân các ngân hàng cũng rất e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này cho dù nếu nhìn sâu vào 4 lĩnh vực ưu tiên vốn sản xuất thì công nghiệp phụ trợ càng phải được ưu tiên hơn cả do các DN công nghiệp phụ trợ cũng là DNNVV. Nguyên nhân cũng như nhiều DNNVV khác, tính minh bạch trong hoạt động không cao lại thiếu tài sản để thế chấp. Hơn thế do công nghệ lạc hậu nên sản phẩm làm ra có giá thành cao song chất lượng lại không cao như những sản phẩm nhập ngoại nên việc tiêu thụ rất bấp bênh. Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, rất khó để cho vay đối với khối DNNVV hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, mặc dù chủ trương là tăng vốn tín dụng vào khu vực này. Nguyên do tính khả thi của hợp đồng cung cấp sản phẩm phụ trợ cho một nhà máy sản xuất rất bấp bênh, dòng tiền hàng hóa của DN, ngân hàng không thể kiểm soát.

Đơn cử như ngành sản xuất bao bì để đóng gói những sản phẩm tôm, mực, gạo, chè, cà phê, hồ tiêu... nhằm tăng giá trị gia tăng hàng xuất khẩu Việt Nam. Nhưng Việt Nam phải cạnh tranh hàng nông sản trong thị trường hàng xuất khẩu giá thấp mà một trong những nguyên nhân do bao bì không bắt mắt... Theo bà Phó Nam Phượng, chỉ có đa dạng hóa liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư giữa các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ mới trở thành một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.

Hải Bình

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều