Công nghiệp vẫn đối mặt nhiều thách thức

14:00 | 28/10/2019

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào phát triển một số ngành chế biến chế tạo như da giày, dệt may, điện tử… đặc biệt những ngành mang lại giá trị gia tăng cao, có khả năng định vị vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, công nghiệp chế biến chế tạo Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 12% năm 2010 lên 16% năm 2018, tạo ra 9,7 triệu việc làm và luôn duy trì mức đóng góp trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong suốt thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, tại Sách trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 vừa được Bộ Công thương công bố mới đây, Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp (CIP) của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) cho hay, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 42 trên toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam Á và Đông Nam Á. Mặc dù chỉ số này đã có sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 vào năm 2006 song giá trị gia tăng của ngành chế biến chế tạo của Việt Nam trong năm 2016 chỉ chiếm 14,3% tổng giá trị quốc nội (GDP), giảm so với năm 2006 (19,4%), trong khi tỷ lệ này của khu vực Đông Nam Á là 20,9%.

cong nghiep van doi mat nhieu thach thuc

Sách Trắng Công nghiệp Việt Nam năm 2019 là kết quả của Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong xây dựng chiến lược ngành công nghiệp và các chính sách liên quan thông qua xây dựng năng lực thể chế do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, Bộ Công thương và UNIDO thực hiện từ năm 2016. Dự án chính là sự ghi nhận những nỗ lực của Bộ Công thương hướng tới thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đưa Việt Nam vào top 3 quốc gia cạnh tranh khu vực ASEAN vào năm 2030 không còn là xa vời.

Theo đó, xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam có bước nhảy vọt trong xếp hạng năng lực cạnh tranh công nghiệp, trong đó có xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng 6 lần từ 261,7 USD năm 2006 lên 758,5 USD năm 2011 và 1.603,2 USD năm 2016. Hay chỉ số chất lượng xuất khẩu so với tổng kim ngạch thương mại chế biến chế tạo cũng tăng trưởng mạnh từ 0,42 năm 2006 lên 0,55 năm 2011 và 0,71 năm 2016 khiến tỷ trọng toàn cầu của tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo của Việt Nam tăng.

Song, tỷ trọng giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam giai đoạn này lại giảm từ 56% xuống còn 52%. Xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu các đầu vào trực tiếp và nguyên liệu thô. Do đó, thành tựu xuất khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu do đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp sức. Riêng năm 2018, FDI đóng góp hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Về giá trị gia tăng tuyệt đối của ngành chế biến chế tạo Việt Nam được coi là có mức tăng trưởng ấn tượng khi giá trị gia tăng của ngành này ở mức giá quy đổi năm 2010 tăng nhanh từ 15,15 tỷ USD năm 2006 lên 26,61 tỷ USD năm 2016. Nhưng nếu so với các quốc gia khác trong khu vực, mức giá trị gia tăng tuyệt đối này của Việt Nam vẫn thấp xa, chưa bằng 1/2 của Philippines, 1/3 của Malaysia, 1/4 của Thái Lan và 1/8 của Indonesia.

Không chỉ tập trung phân tích và đánh giá hiện trạng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Sách Trắng còn chỉ ra những nút thắt, các vấn đề bất cập cần phải khắc phục ở cấp vĩ mô và cấp ngành. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong thời gian tới, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng, cải thiện hơn nữa vị trí trong khu vực, công nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn, cụ thể nhất là từ CMCN 4.0, từ bất ổn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào phát triển một số ngành chế biến chế tạo như da giày, dệt may, điện tử… đặc biệt những ngành mang lại giá trị gia tăng cao, có khả năng định vị vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Khánh Thu

Tin đọc nhiều