Công nhân thời... doanh nghiệp gặp khó

10:19 | 25/05/2012

Ngước nhìn những cơn mưa nặng hạt, rồi thở dài, anh Nguyễn Văn Qúy, cho biết: với tình hình kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn dài, việc làm không có, bám trụ kiểu này chắc chẳng có tương lai gì.

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội phải ngừng hoạt động, số khác đứng trên bờ vực phá sản, hoạt động cầm chừng. Việc ít, thu nhập thấp nay lại giảm khiến đời sống công nhân vốn khó nay lại càng khó…

Viêc ít…

Mấy tuần gần đây, không khí nhiều xóm trọ ở Khu bê tông A, Hải Bối, huyện Đông Anh (TP Hà Nội), gần Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long - Nội Bài trầm lắng. Không còn tiếng cười đùa, thay vào đó, gương mặt ai nấy đều căng thẳng và lo lắng. Anh Nguyễn Văn Cường, quê Nghệ An, công nhân, cho biết: Tôi vẫn còn may hơn nhiều người là được hưởng lương đều đặn 1,5 triệu/tháng, tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc làm ít, ngày làm ngày nghỉ, không có tiền tăng ca, nếu cứ đà này không biết lấy gì mà sống!


Cảnh "đìu hiu" ở khu nhà trọ làng công nhân

Không được may mắn như anh Cường là có lương hàng tháng, anh Nguyễn Văn Qúy, quê Hà Tĩnh, làm việc tại Công ty TNHH cơ khí Minh Hoàng đã bám trụ tại Hà Nội gần hai tháng nay. Theo Quý, anh làm cho công ty tư nhân nên không có lương chính, sống được chủ yếu nhờ làm công ăn lương, công ty có việc thì sống “khỏe”, hiện nay ít việc thì “ốm”. Từ lúc tết ra đến nay, tuần có việc, tuần không nên cuộc sống của anh gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây có việc anh được gần 4 triệu đồng/tháng, còn dành một ít gửi về quê, nhưng nay may lắm anh mới được gần 2 triệu đồng, số tiền chỉ đủ đóng tiền nhà và sống vật vạ qua ngày…

“Dạo này ít việc lắm, các đơn hàng chủ yếu là làm thời vụ chứ không có đơn hàng dài hạn, sản xuất chủ yếu cầm chừng. Trước đây công ty có gần 50 công nhân nhưng nay còn lại chưa đến chục người bám trụ”, Quý thở dài.

Anh Nguyễn Hùng, chủ một xóm trọ ở gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho hay: Tôi thấy các công nhân nghỉ việc ngày càng nhiều. Nhiều xưởng của các công ty bỏ không và đang rao bán và cho thuê. Trước đây xóm trọ của tôi vui lắm, cứ cuối tuần chúng nó tụ tập ăn uống hát hò, giờ ít người thấy buồn, nhiều phòng trọ đã phải khóa cửa do công nhân bỏ đi…

Bỏ… doanh nghiệp

Theo Cục Thuế TP. Hà Nội, suy giảm kinh tế đã khiến hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn phải giải thể. Thực tế, các doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản ngày một tăng, nhiều doanh nghiệp “sống” đang cố gắng cầm cự…

Anh Nguyễn Văn Thắng, Công ty TNHH Văn Thắng, một công ty chuyên về xây dựng tâm sự: Công trình xây dựng đình trệ, tiền không có trả lương cho công nhân, từ 200 lao động chúng tôi đã cắt giảm xuống còn 50 để làm việc cầm chừng, nhưng các công nhân cũng chẳng mặn mà gì, vì việc không có, tiền ít, nhiều người đã xin nghỉ để đi tìm việc mới.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng, quê ở Quảng Bình, công nhân chia sẻ: “Gía cả ngày một tăng, tiền nhà trọ thì vẫn phải trả hàng tháng. Hai vợ chồng làm công nhân mà không có nhiều việc, thu nhập cả tháng chỉ có hơn 3 triệu đồng còn có con nhỏ nữa nên không thể sống nổi, chắc hai vợ chồng phải bỏ công ty về quê kiếm việc làm…

Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Hải quê Vĩnh Phúc, sau gần một năm làm việc cho một công ty may tại KCN, ra tết do việc ít, lương thấp, phải nuôi con nên chị bỏ công ty chuyển sang làm nghề thu mua sắt vụn… “công việc mới, vất vả hơn nhưng mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng, đủ sống và nuôi con”, Chị Hải cho biết.

Ngước nhìn những con mưa nặng hạt, rồi thở dài, anh Nguyễn Văn Quý, cho biết: với tình hình kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn dài, việc làm không có, bám trụ kiểu này chắc chẳng có tương lai gì. Tôi đang chờ gia đình vay Ngân hàng, đủ tiền sẽ xuất khẩu sang Angola làm việc. May ra như thế mới có cuộc sống ấm êm hơn…

Hoàng Cường

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều