Công ty tài chính phát hành thẻ cho vay

08:44 | 28/12/2015

Một số công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng gần đây liên kết với tổ chức tài chính quốc tế phát hành thẻ để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, báo hiệu một môi trường cạnh tranh khốc liệt giữa những khoản tín dụng nhỏ lẻ của NH.

Góp chung thế mạnh

FE Credit, một CTTC của VPBank đã cho ra sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế liên kết với MasterCard, dành cho người ưa thích sự tiện lợi từ việc mua hàng và rút tiền mặt mọi lúc, mọi nơi.

Bước đầu thí điểm đối với những người đã và đang có khoản vay với công ty này ở hai thị trường TP.HCM và Bình Dương. Sự ra đời của thẻ tín dụng tiêu dùng này chứng tỏ họ đã nắm bắt rất nhanh một phân khúc thị trường mà các NH không mấy quan tâm. Thẻ tín dụng tiêu dùng vượt qua rất nhiều rào cản về điều kiện vay vốn tín dụng của NH truyền thống.

cong ty tai chinh phat hanh the cho vay
Các tổ chức thẻ quốc tế đang khai thác tối đa thị trường Việt Nam bằng liên kết phát hành thẻ cho vay tiêu dùng

Có thể trong năm 2016, Home Credit cũng sẽ phát hành thẻ tín dụng để cho vay tiêu dùng. Hiện tại, đơn vị này cũng đang được một NH nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam có thế mạnh về bán lẻ, tư vấn cũng như liên kết để phát hành thẻ. Với thế mạnh của NH nước ngoài là cho vay tiêu dùng qua thẻ, sự kết hợp giữa 2 đơn vị hứa hẹn sẽ làm cho thị trường bán lẻ tiêu dùng thêm sôi động.

Lãnh đạo Công ty HD Saison cho biết, họ đang tăng tốc hoạt động phát hành thẻ và đã có nhiều bàn bạc với đối tác Nhật Bản - đồng thời là cổ đông lớn của công ty để có thể sớm cho ra thị trường thẻ tín dụng tiêu dùng.

“HD Saison dù phát hành thẻ tín dụng quốc tế sau đối thủ trên thị trường nhưng tự tin sẽ có ưu điểm vượt trội. Vì đối tác chiến lược của HD Finance là Credit Saison tiền thân là công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản thuộc Tập đoàn tài chính Mizuho Financial Group. Tập đoàn này hiện là một trong 3 nhà phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Nhật Bản” – vị lãnh đạo trên nói.

Thị trường năm 2016 sẽ chứng kiến sự “đổ bộ” mạnh mẽ của thị trường thẻ tín dụng cho vay tiêu dùng của CTTC, điều này cũng cho thấy nhiều NH sẽ phải chia sẻ bớt thị phần khách hàng cá nhân. Bởi lợi thế của thẻ tín dụng của các CTTC là điều kiện vay vốn được giảm thiểu.

Đơn cử thẻ tín dụng của FE Credit miễn phí thường niên trọn đời, rút tiền mặt dễ dàng tại hầu hết các điểm ATM trên toàn quốc với mức phí cực thấp: 1%, chi tiêu trước thanh toán sau. Các thẻ tín dụng tiêu dùng của các CTTC cũng miễn lãi tối đa trong 45 ngày đầu sau khi thanh toán như thẻ tín dụng FE Credit (đối tác của MasterCard). Đặc biệt là khi có nhu cầu sử dụng tiền mặt, khách hàng không cần đăng ký thêm khoản vay vì có thể rút trực tiếp từ thẻ.

Phải cạnh tranh bằng sự thấu hiểu

Trước diễn biến của các CTTC, nhiều lãnh đạo NHTM chia sẻ, họ cảm thấy bất ngờ với sự lớn mạnh của một số CTTC. Thực tế, một lãnh đạo NHTM quy mô vừa và nhỏ còn cho rằng, ông chưa từng nghĩ đến giải pháp các CTTC sẽ kết hợp với các tổ chức phát hành thẻ để cho vay. Bởi việc cho vay dưới chuẩn, không ràng buộc điều kiện trong việc cho vay qua thẻ rủi ro rất lớn.

Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận rằng, khi kết hợp với các Tập đoàn tài chính quốc tế, những khiếm khuyết trên chắc hẳn CTTC đã giải quyết được.

Từ đây, khá nhiều NHTM nội khi nói về các lĩnh vực cần chú trọng cải tiến, đổi mới, sáng tạo đều đề cập đến mảng NH bán lẻ. Trước sự lớn mạnh của CTTC, đa phần NHTM thừa nhận việc thường xuyên cải tiến dịch vụ và tạo ra những sản phẩm đột phá là cần thiết trong bán lẻ.

Về cách làm, một phó tổng giám đốc NH Nam Á cho biết tới đây, NH phải tìm hiểu tường tận những vướng mắc, băn khoăn khiến khách hàng chùn chân mỗi khi có ý định giao dịch với NH. Tương tự, giám đốc kinh doanh của ABBank cũng cho rằng, những vấn đề của NH như lãi suất vay thả nổi sau thời gian ưu đãi, thủ tục cho vay rườm rà, giải ngân chậm... tồn tại quá lâu đã trở thành rào cản lớn.

Ở góc nhìn khác, dễ thấy sản phẩm bán lẻ của NH nội đã có nhiều cải tiến đáng kể. Nhiều NH đã mạnh dạn bổ sung nguồn nhân lực cao cấp, cải tiến khâu tiếp thị - bán hàng. Đồng thời, hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất được giới thiệu ra thị trường áp dụng cho các khoản vay mua nhà, mua ô tô và vay tiêu dùng thế chấp có thời hạn từ 60 tháng trở lên…

Song phải thừa nhận rằng, điều kiện mà NH đặt ra vẫn còn xa lạ với những người có nhu cầu tiêu dùng thực sự. Trái ngược với các CTTC, họ đã nắm bắt, thấu hiểu và đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng - những người bị loại khỏi NH.

Đánh giá điều này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, vấn đề của các NH hiện nay là làm sao thay đổi cách nhìn của khách hàng về các gói sản phẩm bán lẻ, đặc biệt là với các sản phẩm vay, để các sản phẩm này trở nên dễ tiếp cận hơn với chất lượng dịch vụ tốt và chi phí ngày càng hợp lý hơn cho khách hàng.

Chưa kể chuyện các CTTC có thành công ở mảng cho vay qua thẻ tín dụng hay không, chỉ nói đến tình hình Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời, kéo theo một loạt những quy định về mở cửa, hội nhập, việc cạnh tranh làm sao với NH ngoại có thế mạnh về bán lẻ đã thấy mệt mỏi.

Trong 5 năm tới, dù các NHTM vẫn phải xét theo giá trị an toàn, đảm bảo hạn chế rủi ro lên hàng đầu, nhưng cách làm có lẽ phải thay đổi. Bởi sự hội nhập sẽ tạo ra một bức tranh khác cho ngành NH Việt Nam. Và khả năng sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, trong tiếp thị bán hàng, cạnh tranh bằng sự thấu hiểu khách hàng sẽ được xem là mấu chốt để các TCTD phát triển bền vững.

Quỳnh Vũ

Tin đọc nhiều