Covid-19: Cơ hội để thay đổi

16:11 | 17/02/2020

Covid-19 sẽ “buộc“ nhóm có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt còn lại thay đổi...

covid 19 co hoi de thay doi
Ảnh minh họa

Tuần qua các tổ chức, cá nhân bắt đầu đưa ra những nhận định và kịch bản dự báo về tác động của Covid-19 đến kinh tế toàn cầu và những quốc gia có thể chịu tác động nhiều nhất từ dịch bệnh này. Theo đánh giá sơ bộ tác động của Covid-19 do TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra, Covid-19 sẽ tác động đến lĩnh vực ngân hàng ở ba khía cạnh quan trọng: cầu tín dụng giảm; tiềm ẩn nợ xấu tăng, và nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng.

Nhận định về cơ hội phát triển của ngân hàng số và TTKDTM càng được củng cố khi đây không chỉ là vấn đề có tác động từ dịch bệnh mà còn là tất yếu khi thói quen của đa số người tiêu dùng đang thay đổi rõ nét. Covid-19 sẽ “buộc“ nhóm có thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt còn lại thay đổi. Tính đến cuối tháng 11/2019, có trên 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Các NHTM đã lắp đặt 19.048 ATM, 287.440 POS và hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.

Bên cạnh đó, hiện có 32 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Những đơn vị này đang và sẽ triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới hiện đại, tiện ích. Với tốc độ tăng trưởng hai đến ba con số, các phương thức TTKDTM ngày càng trở nên phổ biến. So với năm 2018, năm 2019 giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 42,5% về số lượng và 35,4% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh Internet tăng 69,4% về số lượng và tăng 37,1% giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 196,8% về số lượng và tăng 225,1% về giá trị…

Tuần qua NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Theo đó, Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công; giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch...

NHNN đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, phù hợp với Chương trình miễn, giảm phí của NAPAS. NHNN khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS…

Việc miễn, giảm phí của các bên cung ứng dịch vụ sẽ khuyến khích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM. Và nếu chúng ta chưa thể lạc quan khi con số về ca nhiễm mới, số người tử vong vì Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên… thì nhìn ở khía cạnh tích cực, Covid -19 lại mang đến không ít những thay đổi lớn, đáng mừng.

Ví dụ, các doanh nghiệp sẽ tìm cơ hội ở các ngành nghề kinh doanh mới, bạn hàng mới, giảm phụ thuộc vào một số đối tác ở thị trường truyền thống. Hay người dân có ý thức hơn trong bảo vệ sức khỏe của mình và cả cộng đồng qua thay đổi thói quen xấu (ít thức khuya, giảm tụ tập, ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều hơn, chú ý giữ gìn vệ sinh công cộng…).

Và với những tác động của Covid -19 khiến hành vi, thói quen từ sinh hoạt cá nhân đến tiêu dùng và thanh toán của người dân thay đổi theo hướng tích cực thì những mục tiêu mà Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đề ra sẽ nhanh chóng được hoàn thành mà không cần có bất cứ sự thúc đẩy hay hô hào nào: Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%; toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán qua hình thức TTKDTM; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện TTKDTM trong mua sắm, tiêu dùng); nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020…

Dự thảo Nghị định TTKDTM thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung) không chỉ nhận được sự quan tâm mà cả sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, bởi việc TTKDTM đã thành thói quen của họ.

An Bình

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều