Ông đánh giá như thế nào về việc NHNN bổ sung quy định hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN?
Với những quy định mới này, rõ ràng giờ đây khách hàng khi vay tiền không phải đến ngân hàng làm thủ tục mà việc xác minh thông tin, nhận biết khách hàng sẽ được thực hiện bằng bằng phương tiện điện tử (e-KYC). Hoạt động giao kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức hợp đồng điện tử; hồ sơ vay vốn được thiết lập dưới dạng tài liệu, dữ liệu, lưu trữ hồ sơ trên môi trường số; tổ chức xét duyệt sẽ bằng phương tiện điện tử... Đây là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh công nghệ đã phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Nếu cho vay trực tuyến được đẩy mạnh sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD và tiết kiệm chi phí cho nền kinh tế. Bởi khi giảm thiểu quy trình thủ tục giấy tờ, thời gian, đi lại... giúp chi phí hoạt động của các NHTM sẽ được giảm bớt. Từ đó gián tiếp tạo điều kiện để ngân hàng có thể giảm được lãi suất cho vay. Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi ích kép vừa tiết kiệm được thời gian lại giảm được chi phí vay vốn. Đây là động thái hỗ trợ rất tốt cho người vay vốn.
Theo ông, cho vay trực tuyến sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới?
Hành lang pháp lý đã có nhưng quan trọng là việc thực hiện tiếp theo của các TCTD ra sao. Thực tế, không đợi Thông tư 06 ban hành mà bản thân các NHTM thời gian qua đã bắt đầu triển khai hoạt động cho vay online bên cạnh gửi tiết kiệm online. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ thực hiện đa phần với khoản vay nhỏ, và ở một số ngân hàng mà chưa được triển khai rộng rãi. Theo chia sẻ của đại diện một số ngân hàng, họ “vừa làm, vừa run” vì sợ hợp đồng bị tuyên vô hiệu trong trường hợp phát sinh tranh chấp. Mặt khác, khi dữ liệu chưa làm “sạch”, ngân hàng cũng rất e dè khi phê duyệt vay trực tuyến. Do vậy, Thông tư 06 chỉ là một yếu tố, cần cộng thêm sự kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thực sự đẩy mạnh hoạt động này.
Thời gian tới, bên cạnh tích cực khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, thông tin tín dụng, ngân hàng còn có thể khai thác thông tin từ nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Các ngân hàng lưu ý, để hỗ trợ tốt nhất quyết định cho vay còn cần rất nhiều thông tin từ các ngành, lĩnh vực khác… để tạo thành hệ thống dữ liệu toàn diện các hoạt động trong cuộc sống của một cá nhân. Đơn cử như lịch sử mua bán trả chậm, trả góp, hay thanh toán tiền điện, nước… Nếu tận dụng được tốt dữ liệu, sẽ là một cơ hội tốt để tiến tới thúc đẩy việc cho vay không cần tài sản thế chấp mà dựa trên mức độ tín nhiệm của mỗi cá nhân. Từ đó giảm bớt tình trạng tín dụng đen hoành hành, cho vay nặng lãi trong đời sống xã hội.
Các ngân hàng cần lưu ý điều gì khi đẩy mạnh cho vay online, thưa ông?
Dữ liệu là “mỏ vàng”, thế nhưng đây cũng chính là điều mà các ngân hàng cần lưu ý đẩy mạnh cho vay online. Bởi lẽ, một khi đã cùng sử dụng dữ liệu trong một hệ thống chung, sẽ có vấn đề về lộ, lọt dữ liệu của người dùng. Nếu những dữ liệu này bị các đối tượng xấu sử dụng sai mục đích sẽ dẫn tới những hệ luỵ lớn. Khi áp dụng mở tài khoản bằng e-KYC, rất nhiều lợi ích nhưng song hành với đó là rủi ro. Dù ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp định danh tuy nhiên kẻ gian cũng nhanh chóng tìm cách để lách qua hệ thống bảo mật bằng cách sử dụng công nghệ AI, Deepfake... Đây là những hình thức lừa đảo mới xuất hiện vô cùng thách thức đối với cả khách hàng và ngân hàng.
Vì vậy, các nhà băng phải thích nghi, luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó rủi ro thông qua việc không ngừng đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, cập nhật những biện pháp bảo mật tốt nhất, đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và am hiểu về bảo mật thông tin. Bên cạnh đó, việc thu thập và sử dụng thông tin phải được thực hiện một cách chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật.
Về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý của hoạt động cho vay online. Theo tôi, nên sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về sandbox... Đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp thị trường cho vay online sôi động, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Hạ Chi