Cùng doanh nghiệp giải bài toán quản lý tài chính

11:59 | 10/06/2022

Bên cạnh việc cung ứng vốn, các nhà băng đang không ngừng tung ra các sản phẩm quản lý dòng tiền, quản lý tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh trên nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp cho thấy sự thích ứng tốt với bối cảnh mới… Minh chứng là trong tháng 5/2022 có gần 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm lên 62,96 nghìn. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì số doanh nghiệp tham gia thị trường 5 tháng đầu năm 2022 đạt 98,6 nghìn, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo bà Lê Dung - Tổng giám đốc CTCP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup, dịch Covid-19 bùng phát trong hơn hai năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đứng vững và không ngừng tăng trưởng. Yếu tố quan trọng nhất đó chính là năng lực quản trị tài chính để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây hiện nay, việc hiểu được “sức khoẻ” tài chính của mình và quản trị tốt vẫn sẽ là chìa khoá để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hiểu được điều này, bên cạnh việc cung ứng vốn, các nhà băng đang không ngừng tung ra các sản phẩm quản lý dòng tiền, quản lý tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

cung doanh nghiep giai bai toan quan ly tai chinh
Ảnh minh họa

Gần đây nhất, ngày 31/5/2022, VietinBank đã ra mắt VietinBank eFAST trên nền tảng mới với nhiều sự cải tiến tích cực nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả trong quản lý tài chính. Chia sẻ về “trợ lý tài chính số”, ông Lê Duy Hải - Phó Tổng giám đốc VietinBank khẳng định, đây là thay đổi lớn nhất trong hơn 10 năm vừa qua, đưa VietinBank eFAST từ một ngân hàng số trở thành một “trợ lý tài chính số” chuyên nghiệp, thấu hiểu, tận tâm, thân thiện và hoàn toàn miễn phí của doanh nghiệp.

Cụ thể, VietinBank eFAST có thể phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra báo cáo về tình hình “sức khỏe” tài chính và gợi ý những hành động cho chủ doanh nghiệp. Không chỉ cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng thiết yếu, VietinBank eFAST còn “may đo” sản phẩm, dịch vụ tài chính theo đặc thù kinh doanh và theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Hay MB cũng đã cho ra đời BIZ MBBank là nền tảng dịch vụ tài chính - ngân hàng số thông minh nhằm giúp doanh nghiệp chủ động mọi nhu cầu tài chính mà không cần tới ngân hàng. “Đối với các DNNVV phải đau đầu trong bài toàn chi phí khi lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số, BIZ MBBank giúp tiết kiệm không chỉ nguồn lực vận hành mà còn tiết kiệm chi phí thực tế lên tới 40 triệu/năm”, đại diện MB thông tin thêm.

Một nhà băng khác là Techcombank cũng vừa chính thức ra mắt ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp - Techcombank Business với nhiều tính năng vượt trội như đa dạng tính năng thanh toán trên mọi nền tảng, mọi lúc, mọi nơi, với nhiều loại dịch vụ, thanh toán lô, trả lương, hay nhận thanh toán nhanh chóng qua mã QR rất thuận tiện cho các nhà bán lẻ, ngành hàng tiêu dùng nhanh, dịch vụ. Đặc biệt, với trang quản trị thông tin tổng hợp, Techcombank Business sẽ giúp doanh nghiệp quản lý tất cả các tài khoản nhanh chóng, dễ dàng với giao diện thân thiện, trực quan.

Theo đại diện Techcombank, trong giai đoạn đầu, Techcombank Business được xây dựng với các tính năng thiết yếu trên website và ứng dụng di động với phương châm tối ưu hóa giao diện và trải nghiệm người dùng giúp khách hàng doanh nghiệp có thể quản lý hoạt động vận hành tài chính mọi lúc mọi nơi. Trong những tháng tới, các tính năng và dịch vụ đa dạng khác sẽ được triển khai để nâng cao tiện ích cho khách hàng.

Đi cùng sự phát triển của thị trường, một nhiệm vụ quan trọng cần giải quyết đó là vấn đề tốc độ xử lý nghiệp vụ tài chính cho các doanh nghiệp. Mới đây, TPBank cũng đã cho ra mắt TPBank Biz. Được xây dựng trên nền tảng module hóa với các công nghệ nổi trội nhất hiện nay như Microservices, Containers… TPBank Biz cho phép tối ưu tới 50% thời gian xử lý, đồng thời tăng tính ổn định lên gấp 10 lần so với các phiên bản trước đó. TPBank Biz cũng là một trong số ít các nền tảng ngân hàng ứng dụng Open API - phương thức liên kết các ứng dụng với ứng dụng của ngân hàng để trao đổi dữ liệu trong giao dịch ngân hàng điện tử.

Theo nhận định của giới chuyên môn, các ngân hàng đang nỗ lực trong việc “may đo” những sản phẩm dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp trên kênh số hoá, vừa tạo sự thuận tiện vừa là trợ lực tích cực, đặc biệt là nhóm DNNVV vốn có năng lực quản lý tài chính hạn chế có thể dễ dàng quản lý dòng tiền, nguồn vốn của mình. Nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp càng tăng lên đáng kể sau những biến động do đại dịch gây ra, thời gian giãn cách khiến nhiều hoạt động bị gián đoạn đã khiến doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc số hoá hoạt động của mình, trong đó quan trọng là các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, thu chi qua ngân hàng.

Cùng với đó, để thu hút khách hàng, dịch vụ ngân hàng số dành cho doanh nghiệp cũng đang có nhiều ưu đãi hấp dẫn, nhiều dịch vụ miễn phí hoàn toàn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, giá các nguyên vật liệu đầu vào đều đang tăng từng ngày theo giá xăng dầu, tiết kiệm được một đồng cũng là điều quý giá với doanh nghiệp. Các chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để điều này.

Về phía nhà băng, việc phát triển dịch vụ ngân hàng số dành riêng cho doanh nghiệp cũng sẽ giúp tăng khoản thu phi tín dụng, đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, đồng thời tăng cường mối liên hệ giữa ngân hàng – doanh nghiệp. Việc nắm được dòng tiền của doanh nghiệp cũng sẽ giúp ngân hàng “tự tin” hơn trong việc ra quyết định cho vay, mở rộng tín dụng đối với khách hàng của mình.

Hạ Chi

Tin đọc nhiều