Cứu doanh nghiệp, không chỉ là lãi suất

16:01 | 11/05/2012

Thông tư số 14/2012/TT-NHNN với việc áp trần lãi suất cho vay tối đa 15%/năm, đối với 4 lĩnh vực ưu tiên đã đáp ứng mong muốn của nhiều DN.

Theo kết quả điều tra chọn mẫu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, có tới 87% số DN cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không nên vượt quá 15%, đúng bằng với mức Thông tư 14 vừa ban hành.

Sự quan tâm của DN đối với vấn đề lãi suất có nguyên nhân của nó.

Ảnh: MH
Lãi suất giảm sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh: MH)

"Trong 11 yếu tố thuộc môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN, lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu", Tổng cục Thống kê lưu ý điểm này khi tổng hợp kết quả cuộc điều tra tại hơn 10 nghìn DN. Theo thống kê, có tới gần 71% số DN đang phải vay vốn với lãi suất trên 17%. Còn trong số các DN không vay vốn, gần 70% cho rằng nguyên nhân là do lãi suất quá cao, hoặc thủ tục vay phức tạp, mất nhiều thời gian. "Các DN mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành tập trung hỗ trợ để ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn thuận lợi hơn, tập trung nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực DNNVV…", Tổng cục Thống kê cho hay.

Trong khi theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình DN vẫn khá bi quan với hàng tồn kho và chi phí tài chính tăng cao. Khó khăn tập trung chủ yếu ở những ngành như xây dựng; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo (ô tô, xe máy, sắt, thép, cơ khí, thủy sản, dệt may...); chăn nuôi, sản xuất lâm nghiệp; dịch vụ, ăn uống… Đáng chú ý là khu vực DN ngoài Nhà nước, DNNVV và một số DN lớn, thậm chí cả DN ở những địa bàn lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương... cũng không thoát khỏi ảnh hưởng từ tình hình khó khăn hiện nay.

Riêng trong quý I/2012, Bộ Tài chính cho biết, số DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là gần 18.700. Số DN giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là khoảng 10.350, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Một số ngành có số DN tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn và ngừng hoạt động tăng cao như kinh doanh bất động sản và xây dựng. Doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ trong quý I/2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011. Hầu hết các ngành kinh tế đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ (15/21 ngành chính), đáng chú ý là xây dựng giảm 26%; thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm 22%; sản xuất giảm 9%; dịch vụ khách sạn, ăn uống giảm 8%…

Khó khăn trong kinh doanh, nhiều DN cũng "chây ỳ" với nghĩa vụ ngân sách. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2/2012, số thuế nợ tăng 28,5% so với cuối năm trước, trong đó khu vực DN có vốn FDI tăng 25,7%, DN ngoài Nhà nước tăng 13,9%, DN Nhà nước tăng 4,3%. Một số ngành có số nợ thuế giá trị gia tăng cao so với cùng kỳ là bất động sản, vận tải, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp khai khoáng, dịch vụ ăn uống khách sạn. Tính đến giữa tháng 3, tổng số DN nợ thuế hải quan quá hạn là 8.465, tăng 6,04% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, khu vực DN ngoài Nhà nước chiếm tới 78,9%.

Những khó khăn trong kinh doanh cũng phản ánh rõ trong báo cáo tài chính quý I của nhiều DN niêm yết. Theo số liệu của các DN niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2011 của nhiều ngành đã sụt giảm nặng nề như bất động sản giảm gần 7,5%, xây dựng là 12%, thép 14,5%... Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng lên, khả năng thanh toán lãi vay của đa số các ngành đều giảm so với năm trước. Tác động ngược trở lại, tình hình tài chính kém cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn ngân hàng của các DN. Có lẽ, để giải bài toán dẫn vốn thấp đến với DN, ngoài Thông tư 14 các NHTM còn cần thêm những giải pháp để tái cơ cấu nợ cho các DN, đảm bảo lợi ích cả hai bên.

Thế nhưng với việc Thông tư 14 được ban hành và có hiệu lực từ 8/5, khó khăn này đã được giải tỏa phần lớn. Bởi với 4 lĩnh vực áp dụng trong quy định mới này, gồm nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV, và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ước tính nhiều ngân hàng sẽ có tỷ trọng cho vay lãi suất thấp vào khoảng 60%, thậm chí cao hơn.

Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một trong vô vàn khó khăn hiện nay mà DN đang phải đối mặt, trong đó lớn nhất vẫn là sức cầu yếu khiến hàng hóa tiêu thụ chậm. Bởi vậy, bên cạnh việc hạ lãi suất, các cơ quan chức năng cần có thêm những giải pháp để kích thích sức cầu khơi thông thị trường. Chỉ khi hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ tốt, DN mới dám vay vốn để sản xuất kinh doanh và giải pháp hạ lãi suất mới có thể phát huy tác dụng. Chứ cứ như hiện nay hàng sản xuất ra chẳng ai mua thì vay vốn để làm gì dù lãi suất có hạ thêm.

Quân Anh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều