Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế

10:12 | 13/06/2012

Hỗ trợ doanh nghiệp cần xử lý cả hai đầu: đầu vào và đầu ra; đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, giảm chi phí, đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm.

Doanh nghiệp đang rất cần Nhà nước hỗ trợ đồng bộ, quyết liệt

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, xét về danh nghĩa, vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2011 và quý I/2012 có tăng, nhưng nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư thì sút giảm vốn đầu tư toàn xã hội là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Phát biểu tại diễn đàn xuất khẩu vừa qua, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá khẳng định: “Kinh tế quý I/2012 tăng trưởng 4% so cùng kỳ năm trước. Đây là một trong hai năm có mức tăng GDP quý I thấp nhất trong hơn 10 năm qua, nhưng điều quan trọng là đang có nhiều dấu hiệu cho thấy, kinh tế nước ta tiếp tục đà suy giảm sâu hơn trong thời gian tới. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì việc thực hiện nhiệm vụ về tăng trưởng kinh tế đề ra cho năm 2012 với mức từ 6-6,5% là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể”.


Ngân hàng không cho vay được, chứ không phải là không được cho vay. Ảnh: BĐT

Sức mua của thị trường giảm, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, dừng làm nghĩa vụ thuế tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tăng đột biến. Đây là những yếu tố đang gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam. Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, những giải pháp nêu trong Nghị quyết dường như vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của đại bộ phận các doanh nghiệp cả về cách thức, quy mô và mức độ hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, cứu doanh nghiệp phải là một bước của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Do đó việc hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết, nhưng phải đồng bộ, quyết liệt. Hỗ trợ doanh nghiệp cần xử lý cả hai đầu: đầu vào và đầu ra; đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, giảm chi phí, đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm.

Ông Trần Xuân Giá cho biết, vấn đề chính hiện nay không phải lãi suất cao hay thấp, mà là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Ngân hàng không cho vay được, chứ không phải là không được cho vay. Hiện nay, không một ngân hàng nào lo vượt chỉ tiêu cho vay, ngược lại đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép mà không thực hiện được. Vì vậy, cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp đến được với ngân hàng là quan trọng nhất. Làm sao cho doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay được vốn. Xử lý nợ xấu cho cả hệ thống doanh nghiệp là vượt tầm của từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng, cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước”.

Sức mua của thị trường giảm, tiêu thụ hàng hóa khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, dừng làm nghĩa vụ thuế tăng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tăng đột biến. Đây là những yếu tố đang gây áp lực lên nền kinh tế Việt Nam.

Tốc độ lạm phát hiện đang giảm khá mạnh. Dự báo tốc độ lạm phát tiếp tục giảm trong quý II và cả năm 2012. Vì vậy, mục tiêu kiềm chế lạm phát của nước ta trong năm nay có thể chỉ ở khoảng 6-7%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ lạm phát chậm lại còn do những yếu tố không mong muốn như: tổng cầu toàn xã hội giảm, sức mua của thị trường trong nước, nhất là sức mua các hàng hóa phục vụ sản xuất giảm, tổng mức bán lẻ tăng chậm. Thế nên, ngay từ bây giờ, trong khi tiếp tục thực hiện các giải pháp tình thế, Chính phủ cần phải quyết liệt, nhất quán, chủ động thực hiện các giải pháp cơ bản để chủ động chống lạm phát. Đó là tái cấu trúc nền kinh tế, các khu vực, lĩnh vực ưu tiên tái cơ cấu, thực hiện các giải pháp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như từng ngành, từng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình, phả̉i chủ động cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại quản trị, điều hành, cơ cấu lại sản phẩm.

Bài và ảnh Hữu Quang

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều