Đa năng nhân lực tài chính - ngân hàng

08:54 | 21/01/2020

Trong bối cảnh vừa phải đáp ứng những kỹ năng, nghiệp vụ mới để giữ việc làm tại các TCTD khi các đơn vị đẩy mạnh áp dụng công nghệ tài chính, trong các năm tới, lao động tại các NHTM và các công ty fintech cũng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với lao động nước ngoài, bởi làn sóng dịch chuyển nhân sự tự do trong khối ngành tài chính – ngân hàng được dự báo sẽ ngày càng mạnh mẽ.

da nang nhan luc tai chinh ngan hang
Hầu hết các TCTD đều có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng nhân sự vừa am hiểu chuyên môn tài chính – ngân hàng vừa giỏi IT và ngoại ngữ

Hết thời chỉ giỏi một nghiệp vụ

PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ, khoảng 15-20 năm trước đây, khi tuyển dụng lao động, hầu như tất cả các TCTD đều tập trung tìm kiếm những nhân sự giỏi năng lực nghiệp vụ. Những lao động giỏi phân tích số liệu, giỏi kỹ năng tổng hợp, đánh giá và các nghiệp vụ tài chính - ngân hàng khi đó rất được các NHTM săn đón.

Tuy nhiên, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số và tốc độ áp dụng các công nghệ tài chính hiện đại dựa trên nền tảng internet, nhu cầu nhân lực đã có sự thay đổi rõ nét. Các TCTD hiện nay (kể cả các đơn vị quản lý và kinh doanh thương mại) không còn đòi hỏi người lao động phải “giỏi kinh điển” đối với một hoặc vài nghiệp vụ cụ thể, mà cần phải có những kỹ năng tổng hợp, bao gồm cả sự hiểu biết về nghiệp vụ tài chính – ngân hàng, hiểu biết về khoa học dữ liệu, kỹ năng vận hành và bảo trì hệ thống công nghệ cũng như các nghiệp vụ về bán hàng và marketing.

Theo ông Trung, ở thời điểm hiện nay với sự áp dụng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, bao gồm robot và các ứng dụng xử lý dữ liệu lớn thông minh; máy móc đang dần thay thế một số vị trí nhân sự tại các ngân hàng. Các vị trí nhân sự đơn thuần như: giao dịch viên, lễ tân, nhân viên thống kê, nhập liệu, quản lý giấy tờ… dần dần sẽ không còn nhiều công việc do máy móc, hệ thống giao dịch trực tuyến và thực tế ảo thay thế.

Hiện nhân viên ngân hàng không chỉ biết về nghiệp vụ tài chính, mà còn phải giỏi về ngoại ngữ, công nghệ thông tin và đặc biệt phải có kiến thức khá chắc chắn về khoa học dữ liệu, đồng thời phải trở thành những người bán hàng chuyên nghiệp, bao gồm cả những kiến thức tổng hợp đa ngành, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm truyền thông, maketing và kỹ năng quản lý, kiểm soát nội bộ.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay sự bất ổn trong hoạt động tuyển dụng và giữ chân nhân sự ở các TCTD bắt đầu diễn ra phổ biến, xuất phát từ mâu thuẫn nội tại của nguồn nhân lực. Tại các TCTD thời điểm này, nhân lực có kỹ năng chuyên môn (tài chính, ngân hàng) chiếm trên 90%, nhưng thiếu các kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Lượng nhân sự giỏi về công nghệ thông tin lại không giỏi về chuyên môn dẫn tới lập trình các ứng dụng sản phẩm, dịch vụ không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân sự cấp cao cũng thường ít am hiểu về công nghệ thông tin, dẫn tới các quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư công nghệ.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho thấy, trong 2 năm gần đây các TCTD, các fintech và công ty bảo hiểm trong nước có nhu cầu tuyển dụng rất cao đối với các vị trí nhân sự như: chuyên viên dự án công nghệ, chuyên viên quản lý ứng dụng, chuyên viên quản trị và phân tích rủi ro, chuyên viên phát triển nền tảng số hóa…

Không chỉ ở các TCTD kinh doanh, nhóm đơn vị quản lý Nhà nước khối ngành tài chính - ngân hàng như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học – Công nghệ… hiện cũng đang có nhu cầu tuyển dụng cao với các nhân sự vừa am hiểu chuyên môn vừa giỏi công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Tuy nhiên, do nguồn cung nhân sự nhóm này không lớn, nên việc tuyển dụng không dễ dàng và hầu hết các đơn vị đều phải cạnh tranh chế độ đãi ngộ để giữ chân người làm.

Đổi mới dạy học và tạo hệ sinh thái nhân lực

Theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, trong khoảng ít nhất 20 năm tới, khoa học dữ liệu sẽ là “từ khóa” quan trọng trong việc đào tạo nhân sự lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong đó, những phân mảng đào tạo liên quan đến công nghệ số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, fintech… sẽ là những phân mảng ngành nghề mà nhu cầu từ thị trường nhân lực sẽ ngày một lớn.

Ở phía Đại học Ngân hàng TP.HCM, ông Trung cho biết, thời gian qua, nhà trường đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh đổi mới các khóa đào tạo theo hướng gắn liền với xu hướng nhu cầu nhân sự các ngành công nghệ tài chính. Cụ thể, Đại học Ngân hàng TP.HCM đã chủ động hợp tác với các đơn vị đào tạo quốc tế uy tín như Đại học Toulon (Pháp), Đại học Cao Hùng (Đài Loan)… để phát triển ngành Khoa học Dữ liệu và ngành Fintech, đào tạo cả trình độ đại học và sau đại học. Trong thời gian tới, nhà trường cũng sẽ phát triển thêm ngành công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (IT and AL), đồng thời tiếp tục mở rộng các khóa nghiên cứu, đạo tạo nhân lực công nghệ tài chính rồi chuyển giao cho các TCTD.

Trong khi đó ở góc độ thị trường, ông Võ Tấn Long - Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho rằng, ngay trong thời điểm hiện nay lãnh đạo các NHTM tại Việt Nam cần thảo luận sớm về định hướng phát triển với đội ngũ nhân sự, để họ hiểu được tương lai ngân hàng sẽ hoạt động ra sao, liệu tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng tới việc làm của họ như thế nào. Bởi các khảo sát trên phạm vi toàn cầu của PwC những năm gần đây cho thấy rằng, hiện nay gần 80% các giám đốc điều hành trong ngành Ngân hàng và thị trường vốn tỏ ra quan ngại về tình trạng thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng cần thiết để đổi mới sáng tạo và nâng cao trải nghiệm khách hàng. “Nếu không kịp thời thay đổi các mô hình đào tạo và bồi dưỡng nhân sự thì khả năng vừa dư thừa nhân sự vừa thiếu hụt người làm là rất lớn ở các TCTD”, ông Long nói.

Để phát triển toàn diện hơn nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính - ngân hàng, theo PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TP.HCM), trong những năm tới hệ sinh thái fintech tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần được các viện, trường quan tâm, đưa ra các chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo bài bản.

Theo đó, chương trình học ở các trường đại học cần trang bị bổ sung cho các sinh viên khối ngành tài chính - ngân hàng các kiến thức về các sản phẩm tài chính hiện có đang sử dụng fintech cũng như các yêu cầu hạ tầng căn bản và cách thức các sản phẩm dịch vụ được tiếp thị và cung cấp. Các cơ sở đào tạo cần khuyến khích thành lập các câu lạc bộ chuyên về fintech để hình thành môi trường trao đổi kiến thức.

Tiếp theo, các nội dung cơ bản như: tổng quan về fintech, thị trường, đồng tiền và các giao dịch trong tương lai với ứng dụng fintech cũng cần được bổ sung vào chương trình học đối với sinh viên cấp đại học và cao học. Các khóa này nên được thiết kế trọng tâm vào ứng dụng, dành thời gian để có các trao đổi giữa sinh viên, giảng viên và chuyên gia, đồng thời đưa sinh viên vào tập sự tại các công ty fintech và các NHTM để thực hành nghiệp vụ ngay trong quá trình học.

Nếu không kịp thời thay đổi các mô hình đào tạo và bồi dưỡng nhân sự thì khả năng vừa dư thừa nhân sự vừa thiếu hụt người làm là rất lớn ở các TCTD

Bình Thạch 

Tin đọc nhiều