Ông có thể đánh giá tổng quan về quá trình phát triển ngân hàng số của Việt Nam thời gian gần đây?
Tôi cho rằng qua các khảo sát, nghiên cứu của chúng tôi thì hiện nay đang có hai xu hướng chính phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Thứ nhất, xu hướng của phần đông các ngân hàng đang thực hiện là sự phát triển tiếp theo của các kênh số mà chủ yếu là ứng dụng ngân hàng trên điện thoại di động.
Trước đại dịch Covid-19 thì các kênh số internet banking, monbile banking chỉ cung cấp một số dịch vụ giao dịch căn bản như chuyển khoản, thanh toán hoá đơn. Các dịch vụ khác như đăng ký mở tài khoản, hợp đồng vay hay giao dịch tiền mặt lớn phải được thực hiện tại quầy ở chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng.
Ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam |
Với chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì đã có sự điều chỉnh của luật phòng chống rửa tiền tháng 11/2019 và thông tư hướng dẫn thực hiện mở tài khoản trực tuyến của Ngân hàng Nhà nước tháng 12/2020 đã tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng phát triển thế hệ tiếp theo của kênh mobile banking lên thành ngân hàng số.
Những trải nghiệm thuần số mới cho khách hàng trên suốt hành trình từ khi bắt đầu mở tài khoản tới thực hiện giao dịch và dịch vụ hỗ trợ, bên cạnh đó đại dịch đã làm thay đổi hành vi người sử dụng, cụ thể là các giao dịch thanh toán trực tuyến trên các nền tảng số mà không cần phải sử dụng tiền mặt hay thực hiện các giao dịch tại quầy.
Xu hướng thứ hai là sự ra đời của các ngân hàng thuần số được các ngân hàng truyền thống xây dựng tách riêng với thương hiệu mới, sản phẩm định vị mới và hướng tới tệp khách hàng mới để tạo ra sự tăng trưởng khách hàng và doanh thu mới. Ví dụ cụ thể của xu hướng này là TNEX của MSB, Timo hợp tác với Vietcapital Bank hay Cake với VPBank.
Với định vị thuần số và tận dụng tối đa ưu thế của công nghệ số đã giúp cho các ngân hàng thuần số thu hút được số lượng khách hàng lớn đặc biệt là phân khúc khách hàng trẻ tuổi. Các ngân hàng thuần số có tỷ lệ chi phí trên doanh thu tương đối thấp do đã loại bỏ các chi phí vận hành chi nhánh, bộ máy nhân sự kinh doanh cồng kềnh, chi phí vận hành công nghệ số thấp đã giúp nâng cao tính cạnh tranh trên toàn bộ hành trình khách hàng, tái đầu tư vào công nghệ để liên tục đổi mới sáng tạo đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của người dùng.
Đây là thay đổi đáng mừng, bởi ngân hàng số sẽ thay đổi cách sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận và cải thiện thêm dịch vụ của ngân hàng?
Theo một khảo sát mới nhất của chúng tôi tại Việt Nam thì có tới 70% người tiêu dùng đã sử dụng các dịch vụ ngân hàng số nhiều hơn trong 18 tháng qua và 54% lần đầu tiên sử dụng các dịch vụ ngân hàng số do tác động của đại dịch, điều này cho thấy người dùng đã có sự tin cậy cao vào dịch vụ ngân hàng số mà trước đó còn e ngại về sự an toàn của các giao dịch trên kênh số.
Lợi thế của ngân hàng số là dịch vụ sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi và chi phí thấp |
Với sự phát triển nhanh của ngân hàng số đã và tiếp tục tạo ra những trải nghiệm số nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi và đặc biệt thông qua việc áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hành vi khách hàng, các ngân hàng sẽ tiến xa hơn trong việc cung cấp dịch vụ cá nhân hoá để giúp các khách hàng chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả hơn hay đầu tư sinh lời cao, ít rủi ro…
Với lợi thế của ngân hàng số là dịch vụ sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi và chi phí thấp đã thực sự cho phép các ngân hàng số mạnh dạn cung cấp dịch vụ hầu như miễn phí tới phân khúc khách hàng bình dân đã thực sự thúc đẩy và bước đầu tạo ra hiệu quả tài chính toàn diện không chỉ dừng lại là các dịch vụ căn bản như thanh toán hay tiết kiệm mà các dịch vụ tín dụng cũng đang trở nên phố biến hơn.
Qua đó, mọi thành phần trong xã hội sẽ được tiếp cận các dịch vụ tín dụng tiêu dùng thông qua việc áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn. Việc này còn giúp các ngân hàng số giảm thiểu rủi ro mà các ngân hàng truyền thống khó thực hiện hiệu quả được do chi phí vận hành lớn và thiếu công cụ quản lý rủi ro hiệu quả với phân khúc khách hàng bình dân.
Lựa chọn giải pháp cộng nghệ phù hợp sẽ mang lại thành công cho ngân hàng số, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Trước khi lựa chọn công nghệ thì các ngân hàng cần phải có một chiến lược số rõ ràng, áp dụng công nghệ số vào mô hình kinh doanh để tạo ra các năng lực kinh doanh mới khác biệt. Trong tương lai thì chiến lược kinh doanh sẽ là chiến lược số với ba khu vực chính phụ thuộc vào công nghệ là mô hình kinh doanh, các quy trình vận hành và hành trình trải nghiệm khách hàng (UX/UI).
Để xây dựng với một chiến lược số, thay vì hỏi “chiến lược số của chúng ta là gì?” theo tôi, thì nên bắt đầu với những câu hỏi như: Công nghệ số thay đổi lĩnh vực kinh doanh như thế nào? Làm thế nào công nghệ số có thể gia tăng giá trị hay thay đổi giá trị định vị tới lĩnh vực kinh doanh? Công nghệ số có giúp thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu? Làm thế nào để công nghệ số nâng cao năng lực để tạo ra sự khác biệt với đối thủ?
Tôi cũng xin nhắc lại, các công nghệ số nổi bật là điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối và internet vạn vật. Và theo tôi thì công nghệ số phù hợp phải đáp ứng ba tiêu chí: Hỗ trợ đưa sản phẩm và dịch vụ ra thị trường, đổi mới sáng tạo nhanh với thời gian tính bằng tuần, dễ dàng sử dụng không đòi hỏi kỹ năng quá cao và chi phí thấp.
Xin cảm ơn ông!
Chí Kiên thực hiện