Đạo đức nghề nghiệp – cần hay không?

10:31 | 31/05/2012

Đa số lớp cán bộ nhân viên ngân hàng lâu năm trong nghề tại các ngân hàng hiện nay đã được sàng lọc kỹ qua suốt quá trình công tác. Những cám dỗ vật chất không làm họ động lòng, những kẽ hở nghiệp vụ họ cũng không lợi dụng.

Có lẽ chưa bao giờ ngành Ngân hàng lại bị “soi” nhiều như mấy năm trở lại đây. Đặc biệt hiện nay, nhạy cảm của nền kinh tế dường như cũng “nhìn” cả vào ngành “làm dâu trăm họ” này. Nhất là gần đây có không ít các vụ “xì căng đan” bởi cán bộ ngân hàng gây nên. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Những vụ tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng thiếu đạo đức nghề nghiệp đã tạo nên những vết nhơ cho Ngành. Và một điều cũng khá nhạy cảm, là có dư luận cho rằng, một số ngân hàng lớn, có uy tín trong xã hội đã lạm dụng cụm từ “đổi mới, trẻ hóa nguồn nhân lực” để thay thế những cán bộ có kinh nghiệm lâu năm, có đạo đức nghề nghiệp. Liệu đây có là một trong những nguyên nhân khiến lòng người xao động dẫn đến hành vi tiêu cực?!

Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở bất kỳ các khâu nào trong ngành Ngân hàng, nhưng xuất hiện nhiều và rõ nét hơn ở nghiệp vụ liên quan đến tín dụng, bảo lãnh, tiền gửi và ngân quỹ. Bởi vậy, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, thì đạo đức nghề nghiệp và bề dày kinh nghiệm luôn là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu tuyển dụng đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm của các ngân hàng.

Người lãnh đạo có tâm và có tầm nên hiểu rằng, cán bộ nhân viên có đạo đức nghề nghiệp và bề dày kinh nghiệm chính là một nguồn vốn quý không có gì so sánh được. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ muốn có không phải là khó, ngoại hình cũng không là chuyện phức tạp nhưng đạo đức nghề nghiệp không phải lúc nào cũng được dán sẵn trên trán từng con người. Đa số lớp cán bộ nhân viên ngân hàng lâu năm trong nghề tại các ngân hàng hiện nay đã được sàng lọc kỹ qua suốt quá trình công tác. Những cám dỗ vật chất không làm họ động lòng, những kẽ hở nghiệp vụ họ cũng không lợi dụng. Truyền thống trước đây của ngành Ngân hàng là luôn trân trọng và đương nhiên sẽ cất nhắc, đề bạt những cán bộ này, nếu bên cạnh đó, trình độ chuyên môn đạt được những yêu cầu, tiêu chí đặt ra. Và ngành Ngân hàng trong hơn sáu mươi năm qua đã phát triển bền vững, hạn chế rủi ro, tiêu cực là dựa trên nền tảng, tiêu chuẩn đạo đức đó.

Vậy mà chỉ trong vài năm gần đây, hàng loạt những vụ tiêu cực tại các ngân hàng bị phanh phui đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh. Chỉ cần điểm vài mươi vụ là có thể thấy ngay phần lớn các vụ tiêu cực rơi vào những thành phần nào trong ngân hàng, có bề dày kinh nghiệm và có đạo đức nghề nghiệp hay không!

Vì vậy, việc hạn chế những “vết nhơ” trong ngành Ngân hàng phải phụ thuộc nhiều vào cách nhìn người và dùng người của lãnh đạo từng ngân hàng, cách đánh giá và đề bạt giám đốc của từng tổng giám đốc mà trong đó, đạo đức nghề nghiệp sẽ là yếu tố hàng đầu hay là yếu tố không cần phải có ???

Đỗ Huỳnh Hoa

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều