Dấu ấn MoMo trong thập niên phát triển vũ bão của thanh toán điện tử Việt Nam

15:18 | 03/02/2021

Là tân binh của hệ sinh thái tài chính - ngân hàng, chỉ trong 10 năm Ví MoMo đã ghi những dấu ấn mang tính bước ngoặt. Không chỉ là đơn vị đặt nền móng đầu tiên cho mô hình thanh toán qua Ví điện tử tại Việt Nam, MoMo còn tạo nên những thay đổi ngoạn mục trong quan hệ giữa Fintech và hệ thống tài chính - ngân hàng.

dau an momo trong thap nien phat trien vu bao cua thanh toan dien tu viet nam
Ví MoMo năm 2020 được Văn phòng Chính phủ trao bằng khen về nền tảng công nghệ có nhiều người sử dụng thanh toán dịch vụ công

Ví MoMo, 10 năm cần mẫn… từ nghi ngại đến cánh tay đắc lực của ngân hàng

Khởi đầu là một đơn vị cung cấp dịch vụ trên sim điện thoại, thời điểm lúc bấy giờ hành lang pháp lý về thanh toán di động, ví điện tử hầu như chưa có. Ví MoMo là đơn vị tiên phong làm việc cùng Ngân hàng Nhà nước, đề xuất mô hình kinh doanh, đặt nền móng cho ngành ví điện tử tại Việt Nam.

Năm 2012, Ví MoMo hợp tác với Vietcombank cùng giấy phép cung cấp dịch vụ chuyển tiền nhỏ là giấy thông hành đã giúp MoMo mở cánh cửa “ngách”, giúp khơi thông dòng chảy từ “sông lớn” ngân hàng đến tận tay người dân ở những nơi xa xôi. Từ hợp tác này, từ khóa Fintech bắt đầu nhận được sự chú ý của các ngân hàng như một xu hướng tất yếu, Ví MoMo đã có những bước tiến dài, bền vững. Đến hiện tại, MoMo là Ví điện tử có số lượng Ngân hàng là đối tác chiến lược, cho phép kết nối trực tiếp giữa tài khoản và ví nhiều nhất với 26 ngân hàng, đồng thời là cũng đối tác của tất cả ngân hàng lớn, nhỏ tại Việt Nam.

Bàn về mối quan hệ giữa Ví MoMo và ngân hàng, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập và phó chủ tịch Ví MoMo nhận định: “Nếu nói Fintech và ngân hàng là đối thủ thì đó là một quan điểm không chính xác và chưa hiểu về bản chất của mỗi bên”. Thế mạnh của MoMo là chủ động, linh hoạt về công nghệ và cách tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng là những định chế lớn, có uy tín với khách hàng, nhưng phải tuân thủ những ràng buộc nhất định.

“Ngân hàng là nơi giữ tiền lớn, Ví MoMo là nơi tiêu tiền nhỏ, vì vậy cho nên cơ chế vận hành và quản trị cũng khác nhau. Nhu cầu khách hàng thì đa dạng, khi cần xử lý tiền lớn thì họ dùng ngân hàng, còn với tiền nhỏ, tiền lẻ thì dùng Ví MoMo cho tiện. Tiền trong Ví MoMo bản chất là tiền bảo chứng trong tài khoản tại ngân hàng. Nếu khách hàng không rút tiền mặt nữa mà chi tiêu ngay trên ví thì đồng nghĩa họ để tiền trong ngân hàng lâu hơn, và ngân hàng sẽ có lượng tiền gửi không kỳ hạn nhiều hơn. MoMo đang giải quyết tốt bài toán đó và ngân hàng cũng nhìn nhận việc hợp tác thực sự có lợi cho cả hai bên”, ông Diệp chia sẻ thêm.

Không những hoàn thành xuất sắc vai trò trung gian thanh toán, MoMo còn giúp ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng tiếp cận hàng triệu khách hàng với chi phí thấp, giải bài toán về chi phí trung gian của ngành tài chính. Đơn cử, để có một khách hàng mới, trung bình một công ty tài chính tiêu dùng phải tốn chi phí trực tiếp khoảng 2 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí gián tiếp khác để thành lập, vận hành chi nhánh hay đại lý cũng khá tốn kém.

“Thông qua nền tảng của MoMo, những sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng sẽ tiếp cận trực tiếp với một lượng khách hàng lớn, đồng thời loại bỏ những phí không cần thiết như nhân sự, vận hành,... Khi những chi phí này được loại bỏ thì lãi suất của dịch vụ chắc chắn cũng sẽ giảm theo”, ông Diệp nói.

Với dân số gần 100 triệu dân, 60% người dùng smartphone, số người dùng internet cũng lên tới 66% dân số, Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để các Fintech phát triển các dịch vụ trên di động. Đại diện Ví MoMo còn cho biết, nhờ áp dụng công nghệ mới vào sản phẩm trong tương lai gần ví điện tử này sẽ mang đến những tiện ích độc đáo mà mô hình truyền thống sẽ khó có được. Đơn cử, như việc hỗ trợ các công ty tài chính tiêu dùng thẩm định phê duyệt hồ sơ cho vay thông qua lịch sử giao dịch trên Ví MoMo. Qua đó, giúp giảm nguy cơ nợ xấu cho nền kinh tế, giảm chi phí dự trù rủi ro của hệ thống ngân hàng, từ đó góp phần tác động đến việc giảm lãi suất cho vay với người tiêu dùng.

Đồng hành cùng Chính phủ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy tài chính toàn diện

Không chỉ là cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng, những đơn vị như MoMo còn tham gia tích cực vào việc xây dựng hạ tầng thanh toán cho nền kinh tế không tiền mặt. Cùng với Chiến lược Tài chính Toàn diện Quốc gia của Chính phủ, MoMo đã chuẩn bị sẵn sàng để đồng hành cùng Nhà nước tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ.

“Nhiệm vụ nổi bật của Chiến lược này là đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt từ thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phí phạt hành chính đến thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí), trợ cấp bảo hiểm xã hội… nay tất cả đều có thể thực hiện được qua Ví MoMo”, đại diện MoMo nói.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, MoMo càng là cánh tay đắc lực cho thanh toán điện tử của hệ thống dịch vụ công các tỉnh, thành phố “Hơn 40% giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia thực hiện qua MoMo. Với Trung tâm Hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa thì con số này lên đến 75%”, ông Nguyễn Bá Diệp cho biết thêm.

Với kết quả trên, Ví MoMo đã được Văn phòng Chính phủ trao bằng khen vì những đóng góp tích cực trong việc vận hành và phát triển Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đại diện ví điện tử này cho biết, hiện MoMo đã kết nối và là kênh thanh toán điện tử cho Trung tâm hành chính công của nhiều tỉnh/thành lớn như: Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... Ngoài ra, hơn 500 trường học và gần 100 bệnh viện trên toàn quốc cũng đã hợp tác với MoMo.

Tháng 5/2020, khi Nhà nước yêu cầu thực hiện quy định Bảo hiểm với xe gắn máy, ô tô thì trên Ví MoMo đã có hơn 10.000 bảo hiểm được bán trong một ngày khiến các đơn vị cung cấp bảo hiểm bất ngờ. Hay như việc cung cấp dịch vụ thu hộ phí tái tục, phí thường niên qua Ví MoMo cũng giúp các đơn vị bảo hiểm tiết giảm chi phí, người dùng tiết kiệm thời gian đi lại, hạn chế sử dụng tiền mặt.

Lãnh đạo Ví MoMo cho biết, hiện nay MoMo xây dựng hệ sinh thái hơn 120.000 điểm chấp nhận thanh toán của các đối tác lớn nhỏ, trong và ngoài nước, từ xe đẩy trái cây cho tới hộ kinh doanh. Ngay trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, Ví MoMo thành lập bộ phận "Giải pháp bán lẻ cho doanh nghiệp" (Merchant Solution) tập trung phát triển, sáng tạo các giải pháp kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp các tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ kịp thời chuyển đổi mô hình kinh doanh, đưa hoạt động lên môi trường số giúp việc kinh doanh không bị ảnh hưởng.

Là một doanh nghiệp 100% người Việt Nam tạo ra, theo ông Diệp thách thức lớn nhất của MoMo là làm sao xây dựng một sản phẩm thu hút người Việt Nam dùng và yêu thích. Đến nay, MoMo đã có hàng chục ngàn đối tác ở mọi lĩnh vực từ cơ quan nhà nước, đến rạp chiếu phim, nhà hàng, quán cà phê, sàn thương mại điện tử... MoMo đang làm thay đổi rõ rệt thói quen thanh toán của người Việt Nam và đem lại rất nhiều lợi ích cho các đối tác, giúp đối tác tối ưu hoạt động kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Trao đổi về chính sách vĩ mô, ông Diệp cũng bày tỏ “Đặc trưng của những doanh nghiệp công nghệ như MoMo là sáng tạo đổi mới, đó là làm những thứ chưa ai làm và tạo ra những dịch vụ chưa có trên thị trường. Vì vậy rất cần một cơ chế đủ thông thoáng để doanh nghiệp có thể tận dụng thế mạnh công nghệ, đồng thời vẫn tuân thủ sự quản lý của nhà nước. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, sẽ có thêm hành lang pháp lý để Fintech Việt có thể đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của đất nước, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm với chi phí ngày càng rẻ hơn”.

Nguyên Thảo

Tin đọc nhiều