Đầu nậu "quản lý" giá thủy sản...

13:08 | 06/06/2012

Đại diện một DN chế biến thủy sản cho biết: Khó có thể trực tiếp thu mua sản phẩm của ngư dân. Bởi, một phần do sự khống chế của các đầu nậu, mặt khác sản phẩm thu mua của các DN phải được chọn lọc kỹ càng, trong khi dịch vụ hậu cần nghề cá không bảo đảm để cho ngư dân làm việc này.

Cốc mò cò xơi...

Từ sáng sớm, trên bến cá Thọ Quang (Đà Nẵng) cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Nhiều tàu đang chuyển cá lên bờ. Nhưng, trên khuôn mặt của không ít chủ tàu hằn rõ sự mệt mỏi. Một số người hầu như không quan tâm đến thành quả của những ngày tháng lênh đênh trên biển...


DN khó thu mua sản phẩm tận gốc của ngư dân

Tìm hiểu chúng tôi mới vỡ ra, ngoài những khó khăn do phí tổn đi biển tăng cao, ngư trường không ổn định… nhiều chủ tàu cá ở miền Trung luôn canh cánh nỗi lo bị đầu nậu ép giá. Ông Đặng A, chủ tàu ĐN 61150 bức xúc: Ngoài việc chi phí đi biển liên tục tăng, đánh bắt được con cá, con tôm đã khó, khi tàu vào đến bờ, tất cả lại phụ thuộc hết vào đầu nậu. Họ tự lo vận chuyển, tự cân đo và giá cả cũng do họ định đoạt nốt.

Cùng chịu cảnh bị đầu nậu ép giá là ông Nguyễn Trung, chủ tàu QNg 98319 (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Ông Trung cho biết: Chuyến đi biển gần đây nhất, tàu QNg 98319 đánh bắt được khoảng 3 tấn cá đù. Trước đây, đầu nậu mua với giá 30 nghìn đồng/kg, nhưng chuyến vừa rồi không biết lý do gì họ hạ xuống còn 25 nghìn đồng/kg. Phí tổn cho chuyến đi biển hết 100 triệu đồng. Nhưng, bán cả chỉ được gần 75 triệu đồng, đành chấp nhận lỗ hơn 20 triệu đồng.

Còn theo ông Võ Lộc, chủ tàu cá QNg 98091 (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi): Tình trạng ép giá của đầu nậu tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay, nhưng chủ tàu đều phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Bởi, phần lớn chủ tàu phải nhận ứng tiền trước của đầu nậu để lo phí tổn đi biển. Những người không ứng tiền, cũng phải bán theo giá đầu nậu đưa ra, mà không thể khác được... Nếu đem cá đi bán ở nơi khác cũng khó, vì các đầu nậu thường liên kết với nhau để thống nhất giá cả. Chưa kể, những lúc tàu về bến nhiều, đầu nậu tăng cường ép giá. Không bán không được, vì thủy hải sản không thể để lâu...

Theo nhẩm tính của ông Đặng A, mỗi ngày đầu nậu thu mua hàng chục tấn cá, tiền chênh lệch thu về sau khi bán cho DN chế biến thủy sản lên đến cả chục triệu đồng. Trong khi, chủ tàu lẫn bạn thuyền lênh đênh trên biển cả tháng trời, chuyến nào may mắn còn lời chút ít. Còn lại, nhiều chuyến sau khi trừ phí tổn, tiền công cho bạn thuyền... chủ tàu phải chịu lỗ.

Doanh nghiệp vạ lây

Hiện tượng thị trường nguyên liệu thủy sản thả nổi, tư thương mặc sức ép giá ngư dân diễn ra trong một thời gian dài, nhưng ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.

Đại diện một DN chế biến thủy sản cho biết: Khó có thể trực tiếp thu mua sản phẩm của ngư dân. Bởi, một phần do sự khống chế của các đầu nậu, mặt khác sản phẩm thu mua của các DN phải được chọn lọc kỹ càng, trong khi dịch vụ hậu cần nghề cá không bảo đảm để cho ngư dân làm việc này. Vì thế, DN buộc phải thu mua từ các đầu nậu, đại lý. Điều này, không chỉ gây thiệt thòi cho ngư dân mà chính DN chế biến cũng gặp khó. Nguyên nhân, là do đầu nậu thường xuyên ép giá, khiến nhiều chủ tàu không quan tâm tới việc bảo quản sản phẩm, "vàng thau lẫn lộn". Nhiều tàu cá thay vì cần 1.500 cây đá cho một chuyến đi biển họ chỉ lấy khoảng 1.000 cây để giảm chi phí. Hệ quả, chất lượng sản phẩm kém, không đủ tiêu chuẩn cho DN chế biến xuất khẩu...

Việc đầu nậu "làm mưa, làm gió" khiến tình trạng thiếu nguyên liệu của DN chế biến thủy sản ở miền Trung ngày càng trầm trọng. Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng, hiện trên địa bàn có khoảng 20 DN chế biến thủy sản. Mỗi ngày cần ít nhất 600 tấn nguyên liệu. Nhưng, nguồn nguyên liệu đáp ứng được không đáng kể. DN chế biến thủy hải sản ở khu vực chủ yếu là nhỏ và vừa, nên vấn đề tổ chức nuôi trồng thủy hải sản nhằm chủ động nguồn nguyên liệu là điều khó thực hiện. Ông Nguyễn Điểm - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Procimex Việt Nam chia sẻ: Do còn nhiều bất cập trong việc tạo nguồn nguyên liệu cho DN thủy sản, nên gần 10 năm trở lại đây, chưa khi nào tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản ở miền Trung lại trầm trọng như hiện nay.

Bài và ảnh Trung Anh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều