Đấu thầu qua mạng: Có lợi nhưng chưa quen

14:03 | 30/03/2012

Ở các nước khác, việc đấu thầu qua mạng, sẽ giúp tiết kiệm được 10% chi phí. Còn ở Việt Nam, nếu thực hiện đấu thầu qua mạng, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD. Nhưng 3 năm thí điểm cho thấy "thiếu quyết tâm"...

Thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 2009 tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, hệ thống đấu thầu điện tử dựa trên Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử của Hàn Quốc (KONEPS) và được tối ưu hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Khảo sát ý kiến về đấu thầu điện tử, 96% ý kiến khẳng định tìm kiếm thông tin đấu thầu qua mạng là rất thuận tiện và dễ dàng, 84% cho rằng quy trình thực hiện dễ dàng, 90% ý kiến khẳng định đăng tải thông tin đấu thầu qua mạng là nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và 76% ý kiến khẳng định quy trình đấu thầu qua mạng thuận tiện và dễ sử dụng...

Tuy nhiên, "điểm nghẽn lớn nhất chính là vấn đề tư tưởng và quyết tâm", ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, để thuyết phục tính ưu việt của đấu thầu qua mạng, Cục Quản lý đấu thầu đã thực hiện gói thầu đầu tiên theo hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng. Để thực hiện được, Cục đã đào tạo và hướng dẫn cho hơn 30 nhà thầu nhưng chỉ có 14 nhà thầu tham dự gói thầu qua mạng đầu tiên này. Biên bản mở hồ sơ chào hàng được công khai trên Hệ thống. Nhà thầu được lựa chọn với giá hợp đồng chỉ bằng 70% so với giá gói thầu. Cuộc đấu thầu đầu tiên này được đánh giá là thành công và hiệu quả nhưng cũng chỉ đủ sức thuyết phục 3 đơn vị tự nguyện tham gia hệ thống là tỉnh Bắc Ninh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Sau này có thêm UBND TP. Hà Nội. 3 năm thực hiện, nhưng chỉ có 55 gói thầu thực hiện qua mạng... Tổng số đăng ký người dùng trên Hệ thống là hơn 2.000 cơ quan trong đó hơn 1.600 Bên mời thầu và hơn 400 Nhà thầu. Xét về quy mô, mới có hơn 800 lượt kế hoạch đấu thầu được đăng tải và có hơn 20.000 thông báo mời thầu.

Nhìn vào lợi ích, việc đấu thầu qua mạng sẽ mở rộng hơn nhiều cả về không gian và thời gian, thu hút được nhiều nhà thầu, giảm chi phí đi nộp hồ sơ tham gia đấu thầu. Ở tận Cà Mau cũng có thể tham gia đấu thầu, gửi hồ sơ dự thầu về Hà Nội chỉ bằng vài thao tác trên máy tính. Một ưu việt hơn hẳn của đấu thầu qua mạng là nhà đấu thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư. Điều này đương nhiên khó phát sinh tiêu cực, không thể "bàn bạc" trước được nên minh bạch hơn và có tính cạnh tranh cao hơn. Nhưng có lẽ, "minh bạch cao" lại khiến nhiều chủ đầu tư e ngại (?!) Một cán bộ Cục Quản lý đấu thầu cho biết, hầu hết các đơn vị sử dụng ngân sách để đầu tư lại khá "ngập ngừng", thậm chí lấy lý do về khó khăn về kỹ thuật đấu thầu qua mạng. Ngược lại, một số chủ đầu tư bằng vốn DN hay vốn vay lại "ưa" đấu thầu qua mạng hơn vì có nhiều tiện ích.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã khẳng định, với hệ thống đấu thầu qua mạng, thực hiện mua sắm công điện tử, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm trong việc công khai, minh bạch hóa, giảm thiểu tham nhũng, tăng hiệu quả trong chi tiêu công, đây cũng là vấn đề xã hội cũng như cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Hiện nay trên thế giới, đấu thầu qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia. Theo báo cáo của các nước đã triển khai, đấu thầu qua mạng có thể giúp tiết kiệm chi phí từ 3% - 20% giá trị đấu thầu mua sắm, trung bình là 10%. Tại Việt Nam, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng 20% GDP tức hơn 20 tỷ USD. Như vậy, nếu chúng ta triển khai đấu thầu qua mạng cho tất cả các gói thầu (100%) có thể góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ USD.

Việc thí điểm đấu thầu qua mạng, thí điểm mua sắm công trên mạng được bước sang giai đoạn 2 (đến hết năm 2015). Giai đoạn này sẽ mở rộng Hệ thống đã xây dựng, hoàn thiện và bổ sung các chức năng Hệ thống đã phát triển, bao gồm: mua sắm điện tử (E-shopping), hợp đồng điện tử (E-contracting), thanh toán điện tử (E-payment) và từng bước áp dụng đối với các đơn vị có chức năng mua sắm (chủ đầu tư, bên mời thầu) sử dụng nguồn vốn nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Để thực hiện thí điểm thành công, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, đã có báo cáo với Chính phủ, đề nghị tổ chức đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu chào hàng cạnh tranh, tối thiểu 50% các gói thầu đấu thầu rộng rãi đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp quy mô nhỏ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ và đơn vị tham gia xem xét lựa chọn tối thiểu 3 chủ đầu tư thực hiện đấu thầu qua mạng, mỗi chủ đầu tư thực hiện tối thiểu 10 gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi.

Huy Thắng

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều