Đầu tư an toàn mùa dịch: Gia tăng lợi nhuận cho khách hàng từ chứng chỉ tiền gửi

09:01 | 15/06/2021

Hiện nay, chỉ với 100.000 đồng, người dân đã có kênh đầu tư sinh lời an toàn với lãi suất lên tới 7,2%/năm trong mùa dịch COVID-19. Điều này có được nhờ vào việc các ngân hàng tích cực phát hành chứng chỉ tiền gửi.

dau tu an toan mua dich gia tang loi nhuan cho khach hang tu chung chi tien gui
Ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với số tiền tối thiểu chỉ từ 100.000 đồng

Cơ hội nhận lãi suất cao, an toàn

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of deposit) là một loại giấy tờ có giá, tương tự sổ tiết kiệm, do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác và chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Khách hàng sở hữu chứng chỉ này sẽ được hưởng lãi suất và nhiều quyền lợi.

Hiện, lãi suất tiết kiệm thông thường vẫn được duy trì ở mức thấp, tại thời điểm đầu tháng 6/2021 các kỳ hạn dài trên 12 tháng chỉ được trả lãi 5% - 6%, thậm chí có ngân hàng còn trả chưa đến 5%/năm. Nhưng với chứng chỉ tiền gửi, lãi suất khách hàng được hưởng được sẽ cao hơn. Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, lãi suất trung bình của chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng hiện nay rơi vào biên độ khoảng 6 - 8%/năm cho thời hạn gửi 1 năm.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi phát lộc đợt I năm 2021 dành cho khách hàng cá nhân tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc với tổng mệnh giá đợt phát hành là 4.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng, và hưởng lãi suất lãi suất năm đầu tiên là 7,0%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm, lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh theo thị trường.

Chia sẻ về chương trình, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, chứng chỉ tiền gửi là hình thức đầu tư dài hạn với mức lãi suất cao hơn so với các sản phẩm gửi tiết kiệm thông thường. Trong khi đó, với điều kiện tham gia dễ dàng nên chương trình phù hợp với đại đa số khách hàng.

Cũng trong thời gian này, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã đưa ra mức lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi bằng VND kỳ hạn 60 tháng của khách hàng cá nhân (kể từ ngày 03/05/2021 đến 02/05/2022) là 7,57% khi nhận lãi cuối kỳ hoặc 6,47% khi nhận lại hàng quý

Bên cạnh đó, các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cũng được một số ngân hàng "biến tấu" từ dài hạn sang ngắn hạn, chỉ cần duy trì qua 15 ngày là được hưởng lãi suất lên đến 4,5-4,6%/năm, nếu quá 45 ngày sẽ được hưởng lãi suất từ 4,7-4,8%/năm. Bằng cách này, ngân hàng có thể trả cho người gửi tiền mức lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm.

dau tu an toan mua dich gia tang loi nhuan cho khach hang tu chung chi tien gui
Chứng chỉ tiền gửi trở thành kênh đầu tư sinh lời an toàn trong mùa dịch

Đồng hành cùng khách hàng mùa dịch

Ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi, khách hàng không chỉ yên tâm số tiền đầu tư cả gốc và lãi đều sẽ được đảm bảo trong toàn bộ kỳ hạn gửi, được nhận lãi suất tốt. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn đột xuất, khách hàng có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay vốn tại tất cả các điểm giao dịch của ngân hàng; dùng chứng chỉ tiền gửi làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoặc có thể chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi dưới nhiều hình thức như mua bán, trao đổi, cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng...

Khách hàng được hưởng lợi, ngân hàng cũng nhận được nhiều lợi ích nhờ phát hành chứng chỉ tiền gửi. Theo các chuyên gia, chứng chỉ tiền gửi góp phần tăng tổng nguồn vốn huy động của ngân hàng, nhờ đó chi phí vốn rẻ, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, giúp biên lợi nhuận ròng (NIM) cũng tăng theo.

Từ trước đến nay, nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà với chứng chỉ tiền gửi. Bởi, yêu cầu vốn tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi cao và thời gian gửi lâu dài. Các ngân hàng thường phát hành chào bán một chứng chỉ tiền gửi có giá 100 triệu đồng, kỳ hạn gửi thông thường là 12, 18, 24 tháng trở lên. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh COVID-19 còn bất ổn và nền kinh tế chịu nhiều rủi ro, lựa chọn kênh đầu tư an toàn để vượt qua khó khăn trước mắt trở thành những nhu cầu cấp thiết của nhiều nhà đầu tư nên các ngân hàng đã thay đổi để gần hơn với khách hàng.

Hiện, một số nhà băng và tổ chức tín dụng đã linh động hơn trong việc phát hành chứng chỉ tiền gửi. Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), ABBank... đã cho phép người mua chứng chỉ tiền gửi là bội số của 10 triệu đồng, thậm chí chứng chỉ tiền gửi của một số ngân hàng còn có giá trị chỉ từ 100.000 đồng.

Lý giải vì sao lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn gửi tiết kiệm thông thường, Lãnh đạo một NHTM cho biết, số lượng phát hành chứng chỉ tiền gửi có giới hạn, giúp các ngân hàng dễ dàng quản lý, kiểm soát được đủ vốn huy động cần thiết là dừng. Nếu tăng lãi suất tiết kiệm, phải áp dụng trên toàn hệ thống. Khi đang thiếu vốn, ngân hàng công bố lãi suất cao, nhưng khi đủ vốn lại hạ lãi suất. Việc áp dụng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi tránh được việc gây sốc cho khách hàng khi thay đổi đột ngột quá mạnh lãi suất tiết kiệm.

Giới chuyên gia đánh giá, bằng nhiều giải pháp hướng đến lợi ích của khách hàng, điển hình là phát hành chứng chỉ tiền gửi với nhiều chính sách ưu đãi đã cho thấy, các ngân hàng luôn đồng hành và hỗ trợ khách hàng để có thêm kênh đầu tư an toàn, tạo tiền đề bứt phá sau khi dịch COVID-19 qua đi.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Hương Giang

Tin đọc nhiều