Dạy học sinh cách quản lý tiền

17:51 | 03/07/2018

Gần 600 học sinh là con cán bộ đoàn viên, người lao động đến từ các tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (CĐNHVN) trên địa bàn Hà Nội, trong các ngày từ 2-6/7 được tham gia các lớp học quản lý tài chính cá nhân.

day hoc sinh cach quan ly tien
Học sinh được tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại, sinh động, xen lẫn giữa lý thuyết và thực hành.

Chương trình do CĐNHVN tổ chức nhân tháng hành động vì trẻ em năm 2018 của CĐNHVN, gồm 15 lớp học nhằm mang lại một mùa hè bổ ích, phần nào giúp các em được tiếp cận với những kiến thức tài chính. Giảng viên của chương trình đến từ Học viện Ngân hàng - đơn vị đầu ngành về lĩnh vực giáo dục tài chính.

Theo bà Lê Thị Quyên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra CĐNHVN, tại Việt Nam, các cuộc điều tra nghiên cứu cho thấy người dân đang đối mặt với thực trạng năng lực hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Riêng với trẻ em, theo khảo sát của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam, học sinh độ tuổi 13 đến 18 bắt đầu sử dụng tiền và có nhu cầu cần sử dụng tiền, nhưng chưa hiểu giá trị sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu…

Cụ thể, kết quả khảo sát học sinh ở 7 trường trung học phổ thông cho thấy chỉ 17,2% học sinh cho biết mình dành tiền được cho để tiết kiệm và chỉ tiêu rất ít. Có tới 8,8% dành phần lớn tiền để mua những thứ thuộc về sở thích và đặc biệt có 12% không nắm được kế hoạch tiêu tiền của bản thân.

Do đó, có khoảng 1/3 học sinh cảm thấy rằng mình không có đủ tiền để chi tiêu. Và khi số tiền chi tiêu không đủ thì các em có xu hướng tự cắt giảm chi tiêu bản thân (73,5%) hơn là những cách như kiếm việc làm thêm (21,9%) và tiết kiệm (34,2%).

Theo bà Lê Thị Quyên, hiện nay nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục tài chính cho người dân, nhất là lớp trẻ được chú trọng từ khi còn nhỏ tuổi. Còn ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ, từ việc xây dựng, quản lý, đến chi tiêu tài chính cá nhân… Chính vì thế, CĐNHVN đã chọn lứa tuổi từ 13 đến 18 để bắt đầu giáo dục tài chính cá nhân cho các em.

day hoc sinh cach quan ly tien
Các em cùng nhau tham gia giải quyết tình huống

Nói thêm về ý nghĩa của lớp học, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Thường trực CĐNHVN cho biết, Đoàn viên, người lao động trong ngành Ngân hàng chính là những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, để tự mình chia sẻ với con về việc chi tiêu thế nào, tiết kiệm ra sao… cũng đang là vấn đề khó khăn của không ít bố mẹ.

Thực tế hiện nay, có đến 80% số trẻ em không được trang bị những kiến thức về tài chính dẫn đến một loạt những vấn đề, như: chưa hiểu được giá trị của sức lao động, thiếu cân nhắc khi chi tiêu; không có kỹ năng quản lý tiền bạc một cách hiệu quả; chưa được cha mẹ quan tâm, hướng dẫn, ủng hộ các bạn tự quản lý tiền…

“Đa phần bạn trẻ hiện nay thích có nhiều tiền nhưng lại không coi trọng đồng tiền, tiêu xài phung phí. Vì vậy, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các em cần có thái độ đúng là trân trọng đồng tiền bởi đó là kết tinh của mồ hôi nước mắt, là thước đo giá trị sức lao động, từ đó sẽ tạo cho các em thói quen chi tiêu một cách có kiểm soát”, một giảng viên chia sẻ.

Từ những nguyên nhân đó, việc tạo cơ hội cho học sinh được tiếp cận với các chương trình giáo dục về tài chính, cung cấp cho học sinh hiểu thế nào để làm ra tiền, tiêu tiền hợp lý, lập ngân sách tiết kiệm, vay tiền và tiếp cận các dịch vụ tài chính… là điều hết sức cần thiết. Đồng thời, việc trang bị kỹ năng giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về vấn đề tài chính là điều hết sức quan trọng.

Những kiến thức đó không chỉ giúp các em hiểu đúng về tiền, giá trị sức lao động, phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để ra quyết định chi tiêu đúng đắn, trở thành những nhà tiêu dùng thông thái mà còn giúp học sinh xác định mục tiêu công việc trong tương lai, sống trách nhiệm hơn với tình hình tài chính của gia đình ở hiên tại và vấn đề tài chính cá nhân trong tương lai.

Tại lớp học, các em sẽ được làm quen với tài chính cá nhân thông qua 4 bài học chính: Giới thiệu về giáo dục tài chính; Hiểu về tiết kiệm và quản lý tiết kiệm hiệu quả, lập bảng kế hoạch tiết kiệm; Lập kế hoạch ngân sách cá nhân; Giới thiệu, hướng dẫn một số dịch vụ ngân hàng cơ bản.

Mục tiêu của chương trình học là giúp các em biết cách hoạch định ngân sách cá nhân, sử dụng tiền có hiệu quả, đặc biệt là kỹ năng quản lý tài chính khi chuẩn bị bước chân vào môi trường đại học...

Trong những năm gần đây, ngành Ngân hàng với vai trò là đơn vị đầu mối xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm mục đích đưa tài chính tiếp cận được nhiều hơn tới toàn dân, nâng cao hiểu biết tài chính cho mọi tầng lớp nhân dân.

Lớp học hôm nay là sự mở đầu cho những lớp học tiếp theo dành cho con em cán bộ ngân hàng tại các địa phương. Nó cũng thể hiện tầm nhìn về chiến lược giáo dục tài chính cho thế hệ trẻ tương lai với mong muốn hình thành kiến thức tài chính vững mạnh và có hệ thống, định hình thói quen tốt cho thế hệ trẻ ngay từ bé, giúp thế hệ trẻ không bỡ ngỡ trước vấn đề tiền bạc và tài chính khi bắt đầu bước vào cuộc sống.

Chia sẻ ngay sau buổi học, học sinh Trần Quyên cho biết: “Sau khi được các thầy cô hướng dẫn về quản lý tài chính cá nhân, cách thức tiết kiệm, chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả, em thấy rất bổ ích. Em đã ý thức được việc mình cần phải lên kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cho bản thân ngay từ trên ghế nhà trường”.

Thanh Thuỷ

Tin đọc nhiều