Tăng cường dịch vụ cấp thư tín dụng trực tuyến nhằm hỗ trợ doanh nghiệp |
Ngân hàng nhập cuộc cấp L/C trực tuyến
Trước đây, các giao dịch L/C truyền thống được các ngân hàng thực hiện trong khoảng 5 - 10 ngày. Lý do chính khiến thời gian xử lý kéo dài trong các giao dịch L/C truyền thống là vì nhu cầu trao đổi chứng từ vật lý, bao gồm cả việc thay đổi quyền sở hữu hàng hóa và giao tiếp riêng lẻ giữa các bên tham gia, các công ty vận tải, ngân hàng... Nhưng giờ đây, những bước này có thể được chuyển đổi hoàn toàn thông qua công nghệ ngân hàng, cấp L/C chỉ còn trong vòng 24h.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã cho ra mắt gói sản phẩm tài trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó có cấp L/C trên nền tảng internet. Theo đó, ngân hàng này đã đưa ra cam kết tổng thời gian xử lý hồ sơ tối đa trong 8 giờ làm việc, thời gian được tính kể từ khi tiếp nhận đề nghị và có đầy đủ thông tin/hồ sơ cần thiết của khách hàng đến khi hoàn thiện việc thẩm định và quyết định cấp.
Hay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), dịch vụ cấp L/C trực tuyến cho phép khách hàng đã có tài khoản doanh nghiệp chỉ cần thực hiện theo 4 bước đơn giản, gồm: Đăng nhập vào đường trang web, gửi đề nghị phát hành thư tín dụng, đăng tải hồ sơ đính kèm và ký chữ ký số. Ngay lập tức, ngân hàng sẽ tiếp nhận yêu cầu và tiến hành xử lý giao dịch phát hành thư tín dụng trực tuyến.
Trong trường hợp đơn đề nghị của doanh nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu của ngân hàng, nhân viên ngân hàng sẽ liên hệ để tư vấn miễn phí. Sau khi khách hàng hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu thì ngân hàng sẽ phát hành thư tín dụng theo đề nghị và gửi thông báo kết quả cho khách hàng qua email và hệ thống ngân hàng trực tuyến.
Trước đó, Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố đã đồng thực hiện thành công giao dịch L/C nội địa bằng tiền đồng trên nền tảng chuỗi khối (blockchain) đầu tiên tại Việt Nam. Giao dịch này được thực hiện trên nền tảng Contour, trên cơ sở công nghệ chuỗi khối Corda của R3, thuộc giai đoạn thí điểm Beta của Contour.
Việc các ngân hàng đẩy nhanh thời gian và quy trình cấp L/C trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Ông Dirk Arhelger, Giám đốc Quản lý dòng vốn và Quan hệ đầu tư của Tập đoàn INEOS Styrolution, cho biết ứng dụng công nghệ nhằm đơn giản hóa quy trình tài trợ thương mại là bước đi hợp lý. Tính minh bạch của giao dịch này có khả năng khiến các quy trình, vốn nặng về sử dụng giấy tờ L/C như trước đây, trở nên rõ ràng và đơn giản.
Bảo vệ quyền lợi cho khách hàng
Không chỉ tạo thuận lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, theo các chuyên gia, dịch vụ phát hành L/C trực tuyến sẽ giúp bảo vệ người mua và người bán trong giao dịch xuất nhập khẩu; bởi đây là phương thức thanh toán hiện đại, tiên tiến, an toàn, đồng thời còn tối ưu hóa thời gian để khách hàng tập trung cho các hoạt động kinh doanh.
Đơn cử, lần sử dụng L/C trực tuyến giữa Công ty TNHH Kirby Đông Nam Á (bên mua) và Công ty Cổ phần Tôn Đông Á (bên bán) đã có sự khác biệt rõ nét. Cụ thể, thời gian phát hành và thông báo tín dụng thư bằng tiền đồng này được thực hiện thành công trong vòng 27 phút. Các bên đã hoàn thành việc xuất trình bộ chứng từ trên nền tảng số thay cho việc phải gửi chứng từ giấy qua đường chuyển phát với nhiều công đoạn thủ công, phát sinh nhiều chi phí.
Với dịch vụ cấp L/C trực tuyến của mình, đại diện VPBank chia sẻ, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khách hàng sẽ không phải mất thời gian, công sức đi lại nộp chứng từ gốc theo phương thức truyền thống, do đó tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Khách hàng có thể chủ động tạo bản nháp thư tín dụng trên hệ thống để trao đổi thống nhất nội dung thư tín dụng với đối tác trước khi thực hiện giao dịch chính thức.
“Khách hàng sẽ được cán bộ chuyên sâu về nghiệp vụ tài trợ thương mại của ngân hàng tư vấn, hoàn thiện nội dung thư tín dụng để phù hợp với hợp đồng kinh tế, qua đó bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong giao dịch ngoại thương”, đại diện VPBank nói.
Dù thuận tiện và giảm thiểu chi phí nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn đắn đo với việc đăng ký cấp L/C trực tuyến nói riêng và dịch vụ L/C nói chung, khi Tổng cục Thuế có văn bản yêu cầu các khoản thu liên quan nghiệp vụ này phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011. Để hài hòa lợi ích các bên, tại nhiều hội thảo, tọa đàm lên quan đến L/C gần đây, đại diện các ngân hàng đề nghị cần nhìn nhận L/C là nghiệp vụ lưỡng tính, vừa là hình thức cấp tín dụng, vừa là hoạt động thanh toán. Do đó, nếu phải nộp thuế cho tất cả các khoản thu liên quan đến nghiệp vụ L/C thì không đúng với bản chất của L/C, trái với thông lệ quốc tế và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, qua đó ảnh hưởng tới việc hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Hương Giang