Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT": Vốn khó bó... thực thi

18:46 | 04/05/2012

Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" vẫn chỉ "nhúc nhích" triển khai khi chưa "căn" được nguồn vốn.

Phó Thủ tướng "sốt ruột"

Gần một năm rưỡi đã trôi qua kể từ ngày Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" được Thủ tướng chính thức phê duyệt (ngày 22/9/2010). Thế nhưng đến giờ, hoạt động triển khai các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án vẫn hầu như "dậm chân tại chỗ".

Đặc biệt là các địa phương vẫn đang loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu và cần khởi động việc gì trước. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến nay, vẫn còn tới 31/63 số tỉnh thành trên cả nước chưa xây dựng được kế hoạch triển khai Đề án.

Ảnh: MH

Đơn cử hiện trạng tại miền Trung, ông Cao Đăng Phương - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện của Bộ TT&TT tại thành phố Đà Nẵng cho biết, mới có 7/16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong khu vực đã xây dựng và duyệt kế hoạch thực hiện đề án. Có địa phương, Sở TT&TT đã tham mưu và trình kế hoạch song UBND lại chưa phê duyệt nên không thể ban hành.

"Đây là đề án lớn của Bộ TT&TT, muốn triển khai được phải xây dựng kế hoạch cụ thể. Việc chậm xây dựng kế hoạch của nhiều địa phương gây ảnh hưởng xấu tới tiến độ triển khai Đề án", ông Phương nhận xét.

Trước nguy cơ nhiều mục tiêu đề ra trong Đề án khó trở thành hiện thực vào năm 2015, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ban hành riêng một công văn chỉ đạo Bộ TT&TT khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách liên quan về tài chính, đầu tư của ngành CNTT-TT, đề xuất các sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Đề án.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ TT&TT xác định kinh phí thực hiện đối với các nội dung nhiệm vụ thuộc Đề án, trong đó làm rõ nhiệm vụ chi ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và doanh nghiệp bảo đảm, rồi gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư thẩm định, tổng hợp trình phê duyệt theo quy định...

Vẫn ở thì tương lai

Thực thi chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ TT&TT vừa nghiêm túc tổ chức một cuộc họp rà soát lại những vướng mắc trong triển khai Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT".

Theo bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT: Đề án gồm nhiều hoạt động liên quan, trong đó có một số chương trình, kế hoạch đã phê duyệt và đang triển khai và một số chương trình, kế hoạch đang trong quá trình xây dựng để trình ban hành. Đây là một đề án lớn nhưng mang dáng vẻ của một chiến lược mà lại không có cơ chế tài chính và nguồn kinh phí riêng, từ đó phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Nhấn mạnh "lực cản" về kinh phí đầu tư, bà Hương cho biết để triển khai một số nội dung thuộc Đề án, Bộ TT&TT đã đăng ký vốn cho các nhiệm vụ, dự án triển khai Đề án năm 2012 của Bộ với tổng kinh phí là 55,43 tỷ đồng. Tuy nhiên, những nhiệm vụ, dự án này đều chưa được cấp vốn bởi một số lý do như sở cứ nào để xác định nhiệm vụ, dự án này thuộc Đề án; nội dung, định mức chi cụ thể ra sao; các dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt dự án hay chưa...

Tương tự, tại các địa phương, mặc dù hiện đã có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án, song phần lớn các nội dung này vẫn nằm trên giấy. Dù biết triển khai Đề án là nhiệm vụ buộc phải thi hành nhưng nhiều địa phương vẫn đành phải tạm đứng yên nghe ngóng tình hình, việc triển khai vẫn đang ở thì tương lai vì "không bột khó gột nên hồ".

Rốt cuộc, Đề án hiện vẫn đang là một bức tranh rất đẹp được treo phía trước để mọi người hướng tới.

Xin được làm "ngoại lệ"

Đề án "Nước mạnh" được "sinh" đúng vào thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm cắt giảm chi tiêu công để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bởi thế, nhiều dự án, kế hoạch thuộc Đề án "Nước mạnh" thuộc diện đầu tư mới, không được cấp vốn.

Ông Nguyễn Văn Hải - Cục Ứng dụng CNTT cho biết, tổng kinh phí đầu tư "rót" cho các chương trình, dự án liên quan tới Đề án của các bộ, ngành, địa phương được phê duyệt năm nay chỉ khoảng 100 tỷ đồng. Số vốn khiêm tốn này không đủ để đáp ứng triển khai cho hàng chục dự án, kế hoạch thuộc Đề án.

Để gỡ "lực cản" cho hoạt động triển khai Đề án "Nước mạnh", ngoài việc rà soát, liệt kê các quy định liên quan đến tài chính, cơ chế hiện hành, Bộ TT&TT đang dự kiến xây dựng một danh mục dự án, nhiệm vụ cụ thể liên quan tới Đề án để đề xuất Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho phép được ưu tiên bố trí kinh phí, nói cách khác là được trở thành "ngoại lệ" áp dụng Nghị quyết 11/NQ-CP.

Dự kiến danh mục này sẽ trình Phó Thủ tướng trong tháng 5/2012 để một số dự án, nhiệm vụ "chín muồi" có thể được triển khai ngay từ năm 2013 tới.

Ngọc Mai

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều