Để cải cách tiền lương hiệu quả

11:26 | 09/04/2012

Chưa hoàn thiện được cơ chế chính sách làm cơ sở để các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, sẽ khó cho việc thực hiện cải cách tiền lương. Đó là nội dung được nhiều tham luận đề cập tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng

Đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện các Nghị định 130 và 43 của Chính phủ, kết quả cơ bản là nhiều cơ quan, đơn vị đã tiết kiệm được biên chế, cải thiện thu nhập cho cán bộ và từng bước gắn trách nhiệm với công chức. Theo báo cáo chưa đầy đủ, trong năm 2010 tại 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khi thực hiện theo Nghị định 130 đã tiết kiệm được 179 tỷ đồng, tương đương 13,66% kinh phí tự chủ được giao, tiết kiệm 1.273 biên chế.

Ảnh: sưu tầm
Cơ chế tài chính phù hợp sẽ giúp các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ. (Ảnh: St)

Với 59 địa phương đã hoàn thành đánh giá, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tiết kiệm được 711 tỷ đồng, đạt 8,9% so với số kinh phí tự chủ được giao, tiết kiệm 8.886 biên chế. Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, các cơ quan thực hiện cơ chế tự chủ đều đã có quy chế chi tiêu nội bộ, kinh phí được giao đã sử dụng hiệu quả, tích cực tiết giảm chi phí và phần chi phí tiết giảm đã tạo nguồn tăng thu nhập với mức tăng từ 0,1 đến 0,5 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ.

Còn theo Nghị định 43, có 845 đơn vị trên phạm vi cả nước đã tự đảm bảo được chi phí hoạt động, 10.431 đơn vị đảm bảo một phần và 14.355 đơn vị vẫn do ngân sách Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí hoạt động. Các đơn vị được giao quyền tự chủ tài chính đã chủ động sử dụng phần ngân sách được giao có hiệu quả, đồng thời cũng phát triển được nguồn thu, mở rộng hoạt động sự nghiệp, tăng quy mô và đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho xã hội.

Sau những kết quả ban đầu nói trên, người dân đã có điều kiện tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa… chất lượng cao hơn. Ngược lại, thu nhập của người lao động trong các đơn vị này đã tăng thêm từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc, chức vụ. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết thêm, khi triển khai Nghị định ở các bộ và cơ quan trung ương đã tiết kiệm được 1.020,9 tỷ đồng và ở địa phương, các đơn vị tiết kiệm khoảng 650,6 tỷ đồng.

Khó triển khai hiệu quả trên diện rộng

Theo phản ánh của các bộ, ngành và địa phương, Nghị định 130 và 43 đã mở cơ chế thông thoáng hơn cho hoạt động của đơn vị công lập, gắn việc chi tiêu hiệu quả với quyền lợi và trách nhiệm của từng cá nhân trong đơn vị. Tuy nhiên, "bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Không ít lĩnh vực khi triển khai còn chậm trễ, vẫn còn nặng tư duy bao cấp, ỷ lại ngân sách Nhà nước", Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đưa thêm nhận xét.

Các bộ, ngành, địa phương cũng thừa nhận, thực tế quá trình thực hiện Nghị định vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể là vướng do cơ chế vẫn còn nhiều bất cập, việc triển khai không đạt kết quả đồng đều do các thành phố, các địa phương và đơn vị ở nơi có điều kiện tốt thì có cơ hội và điều kiện thực hiện tốt, tỉnh xa, huyện nghèo "khó làm lắm". Hơn nữa, đơn vị được giao tự chủ toàn phần thực hiện thuận lợi hơn, đơn vị tự chủ một phần gặp khó khăn hơn.

Một số ý kiến cũng lưu ý rằng, do kinh phí được giao khoán cố định 3 năm, nhưng mấy năm nay lạm phát tăng cao, lại thêm việc thực hiện tăng lương theo cải cách tiền lương khiến nhiều cơ quan rất khó khăn. "Chúng tôi đã triệt để tiết giảm chi phí đến mức thấp hơn cả mức Nhà nước quy định nhưng nhiều vụ, cục của Bộ vẫn phải nợ tiền điện, nước"... "Cả Bộ, chỉ có một đơn vị có nguồn thu nên có điều kiện tăng thêm thu nhập với mức tăng 12.000 đồng/người/tháng, các vụ cục khác không có nguồn thu nên thu nhập không tăng". Đại diện Bộ Y tế cho biết. Bên cạnh đó, với các bệnh viện, thực tế cơ chế tự về chủ tài chính cũng chưa mang lại hiệu quả đáng kể do viện phí vẫn bị khống chế, khiến hầu hết các bệnh viện thu vẫn không đủ bù chi.

Ở khối các trường đại học, một số trường sau khi thực hiện tự chủ thu chi đã xin trả lại cơ chế. Lý do cũng vì "học phí quá thấp". Ông Phạm Ngọc Hiển - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thêm: "Định mức chi thường xuyên quá hạn hẹp với mức chi 19 triệu đồng/công chức/năm là không đáp ứng được nhu cầu. Chỉ tính riêng 3 khoản chi như chi cho chế độ tiền thưởng, chi mua sắm trang thiết bị và công tác phí đã hết 19 triệu đồng này, còn các khoản chi khác nữa không có nguồn".

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, sẽ khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Định hướng sẽ có cơ chế để các đơn vị sự nghiệp thực hiện quản trị hoạt động như một DN.

Linh Ly

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều