Để DN khỏi phá sản

14:29 | 26/03/2012

Hơn 150 doanh nghiệp (DN) hoạt động ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đã đồng loạt "lên tiếng" kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng có những biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn giúp DN thoát khỏi tình trạng nợ đọng thuế, thiếu vốn kinh doanh, thậm chí phá sản…

Ảnh: sưu tầmTheo ý kiến nhiều DN cho biết, năm 2012 tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn và nhiều áp lực hơn so với năm trước vì vậy tình trạng DN hoạt động trì trệ, có nguy cơ "đóng cửa" vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, riêng TP. Hồ Chí Minh đến nay theo con số thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư có khoảng 10.000 DN đã tạm ngưng hoạt động (đây là con số cao nhất trong vòng 20 năm qua). Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do khó khăn chung về kinh tế, lượng hàng hóa tiêu thụ chậm dẫn đến tồn đọng, thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, mặc dù lãi suất có giảm song mặt bằng lãi suất vẫn còn ở mức cao. Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán ảm đạm kéo theo nhiều lĩnh vực kinh tế như xây dựng, sản xuất sắt thép, xi măng… cũng "án binh bất động". Bên cạnh đó, các yếu tố về chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao do chi phí về điện tăng 5%, xăng dầu tăng 10%, nhân công, giá nguyên vật liệu đều tăng cao… dẫn đến hoạt động của DN bị đẩy vào thế cầm cự, vật lộn để tồn tại.

Chính vì vậy, nhiều DN cho rằng, đây chính là thời điểm các cơ quan quản lý, ban ngành cần có biện pháp tích cực để "xốc" dậy thị trường bởi theo như đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu để những hạt nhân của nền kinh tế (DN) chết dần thì sức khỏe của cả nền kinh tế sẽ không được đảm bảo, duy trì, chứ chưa nói gì đến phát triển vững mạnh. Theo lãnh đạo Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc nhanh chóng có được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ cho các DN, nhất là những DNNVV củng cố, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhà nước cũng cần áp dụng các biện pháp đồng bộ để bình ổn các mặt hàng thiết yếu có tính chất bao trùm, ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề khác như xăng dầu, điện nước, gas… Bên cạnh đó, các biện pháp tiếp sức như giãn, giảm thuế cho DN, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản… vẫn phải áp dụng song hành. Trước những vấn đề được đặt ra, Hiệp hội DN thành phố cũng cho rằng, không thể giải quyết hàng loạt khó khăn của cộng đồng DN một cách riêng lẻ mà cần có sự chung tay của các bộ, ban, ngành mới có thể tháo gỡ khó khăn cho hoạt động DN để tránh tình trạng “cởi được nút này lại thắt ở điểm kia”.

Nhật Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều