Để doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu

16:20 | 08/10/2019

Ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam: Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.   

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), các hiệp hội doanh nghiệp và đại diện doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước đã có hơn 2.900 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với hơn 1.000 doanh nghiệp. Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có hơn 1.200 chuỗi được chứng nhận, với hơn 1.400 sản phẩm (chủ yếu là các loại rau, củ quả, các loại cá biển, trái cây, trứng, nước mắm).

Cả nước có hơn 3.100 điểm bán các sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có hơn 640 địa chỉ kinh doanh đã được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

de doanh nghiep viet tham gia chuoi gia tri nong san toan cau
Toàn cảnh hội thảo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng chuỗi liên kết 3 trục nông sản trụ cột của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bao gồm: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp, chuỗi liên kết một ngành hàng lâm sản chủ lực và chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo.

Để tham gia sân chơi toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ tiềm lực, liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa, nâng cao giá trị sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Trung - Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phát triển liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản là chủ trương xuyên suốt của Việt Nam. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Tuy vậy, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa giúp nâng cao giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh và đưa nông sản Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An – một trong những doanh nghiệp tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo xuất khẩu các thị trường nước ngoài cho rằng, để khuyến khích các chuỗi phát triển, trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo, Chính phủ cần có phương án về vốn để thực hiện cánh đồng liên kết trồng lúa.

“Có như vậy, ngành lúa gạo của Việt Nam mới phát triển theo hướng gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế. Với 6 triệu tấn gạo xuất khẩu hiện nay chỉ thu được 2,5-3 tỷ USD khi thực hiện liên kết thì chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam có thể thu được khoảng 5 tỷ USD”, ông Bình dẫn chứng.

Đề cập về vốn đầu tư cho doanh nghiệp bà Phạm Thị Thanh Tùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, vẫn còn trường hợp hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay theo chuỗi.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp nhằm tăng cường liên kết, nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi nông sản Việt Nam khi tham gia sân chơi toàn cầu như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản và các quy chuẩn tiêu chuẩn, thông tin về thị trường; Tuyên truyền vê các mô hình mô hình liên kết hiệu quả, tiến bộ khoa học kỹ thuật, các cách làm hay của các địa phương; Thường xuyên thông tin, truyền thông về các vùng sản xuất an toàn thực phẩm, các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, chuyên gia tại diễn đàn cũng cho rằng, cần tăng cường áp dụng các quy chuẩn tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ nông dân các kiến thức về sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định (VietGap, GlobalGap, Organic...), hỗ trợ sơ chế, đóng gói nông sản.

Ngoài ra, một loạt các giải pháp khác cũng đã được các Bộ, ngành liên quan thực hiện như: Đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và hoàn theiẹn các hồ sơ vùng tròng; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Khuyến khích đầu tư vào chế biến nâng cao giá trị sản phẩm; Đổi mới , hoàn thiện các chính sách, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho cho doanh nghiệp như tiếp cận vốn, đất đai.

Thái Hoàng

Tin đọc nhiều