Để giàu trước khi già

09:24 | 03/08/2016

Để chuẩn bị sẵn sàng cho hưu trí và có một cuộc sống chủ động an nhàn khi về hưu, người lao động nên bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí sớm hơn những thế hệ trước và cân nhắc lựa chọn những phương thức tiết kiệm thay thế khác.

Suy nghĩ về “tương lai hưu trí”
Gia tăng vi phạm sở hữu trí tuệ
Khi còn đương chức, phải tính đến lúc về hưu!

Vàng chưa qua, già đã tới

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam công bố tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dành một phần chuyên đề đặc biệt để nói về vấn đề dân số. Tổ chức này cảnh báo trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số với một tốc độ rất nhanh. Cụ thể, theo ông Philip O'Keefe, chuyên gia kinh tế của WB, số người từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động, dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần, từ 10% hiện nay lên 26% vào năm 2040.

Xu thế trên sẽ tác động đáng kể lên tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động. Khả năng dựa vào sự gia tăng lực lượng lao động (LLLĐ) của Việt Nam để coi đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đang dần cạn kiệt. Trong tương lai, tăng trưởng sẽ phải dựa vào nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và năng suất lao động (NSLĐ).

de giau truoc khi gia
Tỷ lệ dân số cao tuổi tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng (Nguồn: Dự báo dân số của LHQ năm 2015)

Một đặc điểm đáng chú ý khác cũng giống với các nước lân cận trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương là quá trình già hoá nhanh chóng đã bắt đầu tại Việt Nam khi mức GDP/người còn khá thấp. Do đó, ngay cả khi duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững thì tốc độ già hoá tại Việt Nam cũng sẽ làm cho trên bình diện trung, người Việt Nam sẽ già trước khi giàu. Một số nghiên cứu đã chỉ ra, có tới 90% người cao tuổi không có tiền tiết kiệm và nhiều người trong số họ bị nợ nần chủ yếu liên quan đến việc đầu tư kinh doanh, mua nhà ở, chi phí y tế và chi dùng hàng ngày.

Người cao tuổi tại Việt Nam, nhất là tại vùng nông thôn, thường vẫn phải làm việc tới khi tuổi đã rất cao. Điều này cũng trùng khớp với báo cáo “Thế hệ và hành trình” (khảo sát hơn 18.000 người tại 17 quốc gia) thuộc chuỗi báo cáo dài hạn “Tương lai Hưu trí” của HSBC công bố mới đây. “Tại Việt Nam, phần lớn người cao tuổi không có tích lũy dành cho hưu trí, đa phần thu nhập trong giai đoạn hưu trí của họ dựa vào sự hỗ trợ của xã hội, gia đình hoặc tự làm việc để kiếm thêm thu nhập”, báo cáo này cho biết.

Để già không giàu cũng phải an nhàn

Dân số Việt Nam già hóa nhanh đang và sẽ tạo ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội. Trên cơ sở sử dụng mô hình hạch toán tăng trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo hiện tượng già hoá sẽ chưa tác động lên tăng trưởng của Việt Nam trong thập kỷ này, nhưng sẽ tác động tiêu cực ở mức nhẹ lên tăng trưởng trong thập kỷ 2020 và mức độ tiêu cực sẽ tăng dần trong các thập kỷ sau đó. Giới nghiên cứu Việt Nam thì dự đoán rằng, già hoá sẽ gây tác động tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế ngay từ năm 2017 tới đây nếu NSLĐ không cải thiện.

Theo WB, kinh nghiệm ở các nước châu Á và các nước khác cho thấy, rủi ro của già hóa dân số đối với tăng trưởng kinh tế và tài khoá là hiện hữu và các lựa chọn chính sách, hành vi của Nhà nước, DN, hộ gia đình và mỗi người dân đều có vai trò quan trọng giúp giảm nhẹ các rủi ro này.

Trong đó WB đánh giá, hiện Việt Nam đã có khung chính sách và thể chế khá tốt để đối phó với vấn đề này. Nhưng tác động của già hóa dân số nhanh sẽ lớn tới mức nào còn phụ thuộc vào diễn biến về tỷ lệ tham gia LLLĐ, thói quen tiết kiệm, NSLĐ và năng suất nhân tố tổng hợp… Đơn cử, nếu tuổi nghỉ hưu ở khu vực chính thức được nâng lên thì tác động của hiện tượng già hóa lên LLLĐ sẽ giảm đi.

Trên thị trường lao động, Việt Nam cũng có thể áp dụng một loạt các biện pháp chính sách và hành vi ứng phó để chuẩn bị tốt hơn cho tình trạng dân số lao động giảm. Trong đó phải kể đến các biện pháp tác động đến quy mô tổng thể LLLĐ và chất lượng người lao động trong tương lai. Kinh nghiệm quốc tế ở đây là chính sách không chỉ liên quan đến người cao tuổi mà phải tính tới toàn bộ vòng đời.

Trong khi đó, phía DN cũng có thể nghiên cứu thực hiện một số biện pháp để LLLĐ cao tuổi trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn. Một trong số các giải pháp là giảm mức lương thâm niên vì trả công theo thâm niên làm cho lao động cao tuổi trở nên kém hấp dẫn đối với chủ DN khi tiền công không gắn với NSLĐ. Hay một biện pháp khác là khuyến khích làm việc theo thời gian linh hoạt, ví dụ làm việc bán thời gian. Đây là những biện pháp phù hợp với cả người lao động cao tuổi và chủ DN và tạo khoảng thời gian chuyển tiếp sang giai đoạn nghỉ hưu thay vì nghỉ hưu đột ngột.

Và với mỗi người dân để chuẩn bị cho tuổi hưu trí của mình có thể và nên làm gì? Theo Sabbir Ahmed, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính Cá nhân và Quản lý Tài sản, HSBC Việt Nam, để chuẩn bị sẵn sàng cho hưu trí và có một cuộc sống chủ động an nhàn khi về hưu, người lao động nên bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí sớm hơn những thế hệ trước và cân nhắc lựa chọn những phương thức tiết kiệm thay thế khác.

Nghiên cứu của HSBC chỉ ra bốn bước hành động mà mỗi người có thể thực hiện nhằm cải thiện chất lượng tài chính khi về hưu:

Thứ nhất, xem xét tất cả những khoản chi tiêu cần thiết khi về hưu để lên kế hoạch cho giai đoạn hưu trí.

Thứ hai, bắt đầu tiết kiệm cho hưu trí càng sớm càng tốt vì điều này giúp mỗi cá nhân xây dựng được quỹ tài chính lớn hơn và có nhiều thời gian hơn để nguồn quỹ này sinh lời.

Thứ ba, tìm các lời khuyên, tư vấn mang tính chuyên nghiệp và đáng tin cậy cho kế hoạch hưu trí của mình.

Thứ tư, chuẩn bị sẵn sàng với những thay đổi tài chính bất ngờ. Khi việc tiết kiệm cho hưu trí gặp khó khăn, hãy xem xét lại các điều kiện tài chính của bản thân và tìm kiếm những phương thức tiết kiệm thay thế nhằm giúp mỗi cá nhân tiếp tục kế hoạch hướng đến một cuộc sống hưu trí an nhàn trong tương lai.

Đỗ Phạm

Tin đọc nhiều